Cần tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn
- Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xuất phát từ phát mong muốn và nhu cầu của đoàn viên thanh niên, hàng năm, Ban thường vụ Huyện đoàn Yên Bình (Yên Bái) đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện khảo sát, thẩm định, tạo điều kiện cho các hộ đoàn viên thanh niên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, mô hình kết hợp VACR.
Nhiều mô hình kinh tế VACR của ĐVTN trong huyện đang phát huy hiệu quả nhờ vốn vay.
|
Cũng như bao đoàn viên trong thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái), những năm trước đây, gia đình anh Nguyễn Quốc Hưng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, sau khi có chương trình vay vốn phát triển kinh tế gia đình, anh Hưng mạnh dạn vay 15 triệu đồng kết hợp với nguồn vốn của gia đình mở rộng diện tích trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò. Hai năm sau gia đình anh đã có 15 ha rừng với nhiều loại cây có giá trị như: keo, bạch đàn. Đàn trâu, bò có 15 con, tổng thu hàng năm đạt trên 60 triệu đồng.
Anh Quyền Quốc Cảnh ở thôn Đồng Ro, xã Vĩnh Kiên được đánh giá là hộ đoàn viên giàu nhất xã. Anh Cảnh cho biết: Đầu năm 2005, khi có chủ trương của Huyện đoàn về chính sách tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế trang trại gia đình, tôi đã mạnh dạn vay 10 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, đồng thời kết hợp với một ít vốn của gia đình, mua 2 con bò sinh sản, mở rộng diện tích trồng rừng kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, vịt. Nhờ phát huy được nguồn vốn được vay mà sau hai năm, anh Cảnh đã có 10 con bò, hàng trăm con gà và diện tích trồng rừng cũng được mở rộng. Từ một hộ đoàn viên còn gặp nhiều khó khăn nhưng với ý chí vươn lên và sự giúp đỡ tổ chức Đoàn mà gia đình anh đã vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngoài anh Hưng, anh Cảnh phải kể đến nhiều mô hình làm giàu của các đoàn viên thanh niên của huyện Yên Bình như: Nguyễn Văn Sơn, Lê Văn Nhen ở Lâm trường Thác Bà; Nguyễn Minh Quý ở xã Hán Đà; Hà Quốc Việt ở Vĩnh Kiên; Vũ Thanh Tùng ở thị trấn Yên Bình..., đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có thu nhập bình quân từ 800 ngàn - 1,2 triệu đồng/tháng/người.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Xuân Trường - Phó bí thư Huyện đoàn cho biết: "Hiện nay toàn huyện có 51 cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc, với tổng số 474 chi đoàn, thu hút được 11.797 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt, trong đó có 3.140 thanh niên, 8.657 đoàn viên. Số đoàn viên đông, đặc biệt là thanh niên và các hộ đoàn viên thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Xuất phát từ phát mong muốn và nhu cầu của đoàn viên thanh niên, hàng năm, Ban thường vụ Huyện đoàn Yên Bình đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện khảo sát, thẩm định, tạo điều kiện cho các hộ đoàn viên thanh niên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, mô hình kết hợp VACR.
Sau 3 năm triển khai Đoàn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng SCXH huyện gần 2 tỷ đồng cho hơn 200 hộ ĐVTN được vay vốn, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 500 lao động". Có thể nói, chương trình hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn ở Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại gia đình đã ra đời. Số lượng đoàn viên thanh niên làm giàu trên chính quê hương mình ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các bạn trẻ cũng còn nhiều trăn trở. Đó là nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình ngày càng tăng, nhưng nguồn vốn được vay còn quá ít.
Theo anh Lương Anh Tuấn - cán bộ quản lý dự án nguồn vốn vay cho đoàn viên thanh niên thì nguồn vốn giải ngân cho đoàn viên thanh niên vay đang có chiều hướng giảm dần. Cụ thể là, năm 2005 được 796 triệu đồng; năm 2006 là 623 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2007 là 520 triệu đồng. Trong khi đó, ý tưởng làm ăn của thanh niên khá phong phú, mô hình và điều kiện phát triển kinh tế ở cơ sở khá ưu đãi, lao động dồi dào...
Một thực tế nữa mà đoàn viên thanh niên gặp phải là các ngân hàng thường ngại cho những đối tượng thuộc diện nghèo và người vay phải là chủ hộ gia đình trong khi không ít thanh niên muốn lập nghiệp nhưng chưa lập gia đình riêng, hoặc chưa tách hộ nên không thể có sổ đỏ thế chấp. Cũng theo anh Tuấn, 100% số đoàn viên thanh niên được vay vốn đều phát huy hiệu quả và trả lãi cho ngân hàng đúng định kỳ.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề vốn cho thanh niên phát triển kinh tế thì các cấp, các ngành đặc biệt là Tỉnh đoàn và Ngân hàng CSHX huyện cần quan tâm và tin tưởng tạo điều kiện cho thanh niên bằng các giải pháp thích hợp, giúp họ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2007-2008, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và dự lễ khai giảng tại Trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Trạm Tấu - huyện Trạm Tấu).
YBĐT - Mấy tháng gần đây giá cả thị trường liên tục tăng khiến các bà nội trợ lại có cảm giác như bị đánh rơi tiền mỗi khi đi chợ.
YBĐT - Nhằm chủ động, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do lũ bão gây nên, UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã sớm chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai của huyện, các xã, thị trấn tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác năm 2006 và đề ra các giải pháp cho năm 2007.
YBĐT - Hòa chung không khí tưng bừng của ngày hội khai trường năm học 2007-2008, Trường mầm non thực hành tỉnh và Trường mầm non tư thục Thanh Hoa thành phố Yên Bái đã khai giảng.