Người nghèo Tân Hợp bao giờ mới được vay vốn

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hàng trăm hộ gia đình nghèo ở Tân Hợp huyện Văn Yên (Yên Bái) có nhu cầu nhưng không được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế.

Phụ nữ Tân Hợp được hỗ trợ máy ép tinh dầu quế để phát triển kinh tế.
Phụ nữ Tân Hợp được hỗ trợ máy ép tinh dầu quế để phát triển kinh tế.

Lý do: gần chục năm trở lại đây, 5 tổ tín chấp vay vốn Ngân hàng Người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) không thanh toán nợ gốc và lãi. Hội viên phụ nữ nghèo xã Tân Hợp được hỗ trợ máy ép tinh dầu quế của nhà tài trợ Codesfa (Tây Ban Nha) để phát triển kinh tế.

Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông  Đặng Văn Chiến, một trong số hàng trăm  hộ nghèo của xã Tân Hợp. Trong căn nhà cũ xiêu vẹo, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, ông chỉ tay sang căn nhà mới đang hoàn thiện: "Trước đây gia đình tôi có 5 khẩu, các con đi ở riêng còn lại hai ông bà đã trên 70 tuổi không còn sức lao động, không có khả năng làm lại căn nhà mới, nay nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần vốn từ Chương trình 134 giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số xoá nhà dột nát, lại được bà con lối xóm hỗ trợ và nguồn tích cóp của gia đình, tôi mới có được ngôi nhà mới tránh mưa nắng lúc tuổi già như thế này".

Nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì bao nhiêu vốn liếng dành dụm lúc tuổi già đã dốc hết làm nhà, bây giờ được đứa cháu nội có sức lao động ở cùng nhưng lại không có vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Ông mong muốn xã tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để cho cháu có điều kiện phát triển kinh tế. Nhưng  mong muốn của lão nông khó mà thành hiện thực! Tương tự, anh Nguyễn Trọng Túc ở thôn 5 muốn phát triển kinh tế hướng lâu dài sẽ thành lập HTX kinh doanh chế biến gỗ cũng chưa biết cách nào để vay được vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Hai trường hợp trên đây trong số hàng trăm hộ nghèo ở Tân Hợp có nhu cầu nhưng không được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Lý do là gần chục năm trở lại đây 5 tổ tín chấp vay vốn Ngân hàng Người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) không thanh toán cả nợ gốc và lãi, làm mất chữ tín với ngân hàng.

Được biết, hiện nay dư nợ quá hạn từ các chương trình vốn hỗ trợ người nghèo, chương trình cà phê, Chương trình 327... đã lên đến trên 400 triệu đồng, trong đó 130 hộ đã nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên 264 triệu đồng.. Ông Đoàn Văn Giáp là hội viên Hội Cựu chiến binh thôn 5 Khe Hỏa đứng tên vay 10 triệu đồng từ năm 1999, đến năm 2005 mới thanh toán tiền lãi còn tiền gốc và lãi từ năm 2006 đến nay chưa động tĩnh gì song ông vẫn khẳng định: “Từ nay đến cuối năm gia đình tôi sẽ thu xếp trả hết gốc, lãi cho Ngân hàng". Nhưng  liệu có tin được không khi trên thực tế  nhiều lần lời hứa vẫn chỉ là hứa hão?

Việc nợ quá hạn ở Tân Hợp không chỉ ở số hộ nghèo mà còn cả những người có trách nhiệm. Điển hình như hai hộ ông Trần Trung Hải thôn 2 và Trần Bá Quyến thôn 4, mỗi hộ vay 2 triệu đồng đã trả tiền qua ông tổ trưởng tổ tín chấp Vũ Đình Đông nhưng ông Đông đã tự tiện dùng số tiền đó vào việc riêng không nộp cho Ngân hàng nên đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn báo nợ đối với hai hộ trên.

Lại có tổ viên tổ tín chấp khi được yêu cầu hoàn trả vốn cho ngân hàng nằng nặc đòi chỉ trả tiền gốc. Đặc biệt, trong các tổ vay vốn vẫn còn đảng viên chây ỳ, thậm chí cả thành viên Ban xoá đói giảm nghèo của xã cũng chưa trả hết vốn vay khiến người dân càng có cớ để dựa dẫm! Nợ kéo dài đồng nghĩa với việc Ngân hàng từ chối tiếp tục giải ngân vốn vay cho các hộ dân.

Một nguyên nhân nữa là do chính quyền và các đoàn thể của xã chưa quyết liệt vào cuộc, chưa có biện pháp tích cực đôn đốc thu hồi nợ trong dân mặc dầu huyện Văn Yên đã tích cực chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, ban xoá đói giảm nghèo huyện, xã tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng vốn kéo dài ở Tân Hợp. Đã có 4- 5 cuộc họp phối hợp giữa các ngành, đoàn thể tại xã để tuyên truyền, vận động. Đầu năm 2006, Ủy ban nhân dân xã cũng đã giao cho Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đôn đốc thu hồi nợ đọng của 5 tổ tín chấp nhưng đến nay tiến độ cũng rất ì ạch, hơn 1 năm nay mới thu được trên 50 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp khẳng định: Trong thời gian tới, xã cũng vẫn phải có những biện pháp quyết liệt phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức hội cựu chiến binh, hội phụ nữ được giao nhiệm vụ nhận uỷ thác thu hồi vốn.

Trên cơ sở phân loại các đối tượng vay vốn, hộ có khả năng trả nợ sẽ thu hồi trước, hộ chưa có khả năng sẽ thu dần, nếu cần thiết sẽ lập hồ sơ xử lý những hộ cố tình chây ỳ. Điều đó là cần thiết để chống thất thoát vốn Nhà nước cũng như đảm bảo sự công bằng cho các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế không riêng gì xã Tân Hợp.

Đối với những hộ nghèo chưa được vay vốn hoặc những hộ đã thanh toán hết nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tạo điều kiện cho vay, tránh tình trạng " con sâu làm rầu nồi canh" giúp những người dân nghèo nơi đây sớm có thêm điều kiện thoát khỏi đói nghèo.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Ảnh Thu Hạnh.

YBĐT - Trường mầm non Hoa Lan tiền thân là nhà trẻ Liên cơ sáp nhập với trường mẫu giáo thành Trường mầm non Mù Cang Chải, cơ sở vật chất chỉ là cái chõng tre, cái giường cũi gỗ trong những gian nhà kho kín mít của ngành thương nghiệp cho mượn, mái lợp giấy dầu khét lẹt, mỗi trận gió Lào hừng hực thổi về thì cô, trò được tôi luyện như những viên gạch chịu lửa. Cả hội đồng vẻn vẹn chỉ có 10 giáo viên đều chưa qua trường lớp đào tạo, khó khăn chồng chất khó khăn.

Ảnh minh hoạ.

YBĐT - Đã gần một tháng, kể từ khi ngôi nhà của chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Lem, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình họ chập điện gây cháy hoàn toàn. Gia đình chị đã nghèo, nay xảy ra hoả hoạn lại càng khó khăn hơn. Nhưng cũng trong lúc này, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của bà con làng xóm lại phát huy cùng với sự giúp đỡ của các cấp các ngành, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ xã và huyện đã tiếp sức cho gia đình chị vượt lên khó khăn.

Du khách xem biểu diễn múa xoè tại nhà sàn của đồng bào Thái xã Nghĩa An. (Ảnh Hoàng Nhâm)

YBĐT - Cùng với đẩy nhanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được Đảng bộ, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xác định là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, lĩnh vực này đang có những chuyển biến rõ nét, là động lực và góp phần để thị xã thực sự trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa trong tương lai.

Ảnh: Sùng Đức Hồng.

YBĐT - Huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 14 xã, thị trấn; trong đó, có gần 16.000 đoàn viên, thanh niên. Những năm qua, nhờ tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nên tỷ lệ thu hút tập hợp thanh niên vào Đoàn, hội ở vùng cao này luôn đạt mức gần 75%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục