Khánh Hòa: Khai thác nội lực để xoá đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Khánh Hoà (Lục Yên), cách trung tâm phố huyện chưa đầy 20 km lại nằm ngay ven quốc lộ 70, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù vậy, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn.
Tuyến đường mơí tại khu vực Khánh Hoà (Lục Yên)sẽ tạo động lực để địa phương phát triển. (Ảnh: Thành Trung).
|
Nguyên nhân kinh tế chậm phát triển được xác định là do trình độ dân trí không đồng đều; trong sản xuất, người dân quen làm theo kiểu manh mún tự phát và thiếu kiến thức khoa học. Trước thực trạng đó, xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong sản xuất lúa nước, xã đã vận động bà con đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế các giống lúa địa phương. Đến nay, đã đưa 100% diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao vào gieo cấy.
Xã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng đầy đủ, kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho bà con; thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh lúa, chè cho hàng ngàn lượt hộ nông dân tham gia. Bằng những biện pháp đó, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể.
Nếu như năm 2000, cũng trên đồng đất ấy, thửa ruộng ấy, năng suất lúa chỉ đạt 80 tạ/ha, thì đến nay năng suất đã đạt 100 tạ/ha. Những năm trước đây, cây chè phát triển không có quy hoạch, năng suất thấp, hơn một nghìn ha đất lâm nghiệp còn bỏ hoang.
Để phát huy hết những thế mạnh về đất đai, lao động, Đảng bộ phân công các đảng viên xuống các thôn bản tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân. Qua đó cho thấy, người dân chưa chú trọng phát triển cây chè không phải là họ không muốn làm mà là do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu hệ thống thuỷ lợi. Nếu trồng 1 ha chè giống mới, thời gian trồng mới và chăm sóc cũng phải sau 3 năm mới cho thu hoạch, chi phí lên tới 30 đến 35 triệu đồng. Số vốn lớn như vậy, nông dân không thể có.
Nắm bắt được những vấn đề đó, xã đã chủ động điều chỉnh và đưa ra các giải pháp như: huy động nhân dân nạo vét kênh mương, từng bước kiên cố hoá kênh mương nội đồng để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp; vận động bà con mạnh dạn tìm kiếm vốn vay để thay thế và mở rộng các giống chè mới có năng suất cao; phối hợp cùng Lâm trường Lục Yên, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho bà con vay vốn trồng chè; tích cực chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc chè đến từng hộ dân. Từ đó, người dân đã tích cực trồng chè và họ đã thật sự tin cây chè là cây xoá đói giảm nghèo. Đến nay xã đã đưa diện tích chè nhập nội lên 40 ha, chỉ tính riêng thôn 7 có 70 hộ thì có 60 hộ tham gia trồng chè.
Bên cạnh việc đưa các giống cây trồng có năng suất chất lượng cao vào sản xuất thì chăn nuôi cũng được chú trọng. Để phát triển đàn gia súc, gia cầm, ngoài việc đứng ra tín chấp giúp dân vay vốn, xã chủ động ngăn chặn và kiểm soát tốt các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đến nay, toàn xã đã có gần 1 nghìn con trâu, bò; trên 3 nghìn con lợn và khoảng 6 nghìn con gia cầm.
Song song với việc phát triển kinh tế thì cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được đầu tư, xây dựng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chỉ tính riêng trong năm 2007, xã đã sửa chữa được 9 km đường chính, làm mới được 7 km đường liên thôn bản. Bằng nguồn vốn Nhà nước và đóng góp công sức của nhân dân, nhiều đường liên thôn được sữa chữa và nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống trường lớp, trạm y tế được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Bằng sự chỉ đạo thiết thực của Đảng bộ, chính quyền xã, kết hợp với sức mạnh tổng hợp của nhân dân đã tạo nên nhiều biến đổi trong đời sống kinh tế của địa phương. Số hộ nghèo đã giảm đáng kể, bình quân lương thực đầu người đã đạt 420 kg/người/năm, 100% số hộ trong xã có đài, trên 50% số hộ có ti vi và nhiều hộ đã mua được xe máy.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái vừa tổ chức buổi họp đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy phần ngữ văn địa phương tại trường trung học cơ sở (THCS) tỉnh Yên Bái".
YBĐT - Phúc Lợi là xã vùng 3 của huyện Lục Yên, có 5 dân tộc sinh sống. Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã và Công an huyện, lực lượng công an xã Phúc Lợi đã vươn lên giữ vững vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH).
YBĐT - Ở Yên Bái, sau 2 năm triển khai Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2001 - 2010 có thể nhận thấy, quan điểm này đã được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cụ thể hoá trong các hoạt động giảm nghèo có hiệu quả.
YBĐT - Những năm qua, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã thể hiện rõ vai trò và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.