Một ngày vui và an toàn cho bé

YBĐT - Đã gần năm giờ chiều mà cô Liễu và cô Mơ - hai giáo viên đứng lớp mầm non thuộc Nhóm Cơm A, Trường Mầm non Thực hành tỉnh Yên Bái vẫn đang lúi húi sắp xếp từng đôi dép nhựa trẻ em. Lớp học đã được quét dọn sạch sẽ, đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Khi kiểm tra xung quanh lớp học lần cuối cùng, cẩn thận cài, khóa toàn bộ cánh cửa, các cô mới thở phào nhẹ nhõm vì một ngày học đã kết thúc an toàn...

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước hai từ “an toàn”, cô giáo Mơ giải thích rất ngắn gọn: “An toàn cho bé không chỉ là yêu cầu của nhà trường đối với mỗi giáo viên mà đây chính là mối quan tâm của phụ huynh học sinh khi gửi gắm con mình vào nhà trẻ”.

Bốn “áp lực” một ngày của cô...

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần 40 ngày vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống, lao động, sản xuất của người dân miền Bắc. Một trong những khuyến cáo thường xuyên được các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương là nếu thời tiết quá lạnh, các phụ huynh học sinh mẫu giáo, tiểu học nên cho con em nghỉ học.

Cô giáo Ngọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trong đợt rét, có những ngày sĩ số vắng toàn trường lên đến 150 cháu, nhưng Lớp Cơm A chỉ có hai cháu nghỉ học. Điều đáng nói là bên cạnh việc giữ ấm cho trẻ của các phụ huynh, tỷ lệ chuyên cần của lớp là rất đáng khen ngợi. Nhiều phụ huynh khi đón con, động tác đầu tiên là sờ má, sờ tay các cháu, có những người còn phấn khởi thốt lên: “Ấm quá cô giáo ạ!”.

Cô giáo Mơ tâm sự, một ngày, các cô phải chịu bốn “áp lực” tinh thần. Thứ nhất là với phụ huynh học sinh, làm sao để họ yên tâm tuyệt đối sau khi trao con mình cho các cô giáo. Thứ hai là với nhà trường, làm sao để hoàn thành công việc tốt, không để ảnh hưởng đến uy tín của trường. Thứ ba là với đồng nghiệp, làm sao để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhất là khi chỉ có hai cô giáo đứng lớp và một cô giáo phụ mà phải quản lý hàng chục cháu bé. Cuối cùng là áp lực với chính học sinh, làm sao để các cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh và an toàn là điều không đơn giản chút nào.

Các cô phải làm những việc tưởng chừng rất nhỏ và không mấy ai hình dung cụ thể. Sáng đến sớm, cô mở cửa, kiểm tra một lượt khắp phòng học, xếp ghế, đồ chơi gọn gàng. Đến giờ uống sữa, cô phải kiểm tra độ ngọt, nhạt. Trước giờ ăn, cô kiểm tra từng âu cơm, từng món ăn, từng chiếc thìa, chiếc bát. Những hôm có món ruốc cá, cô phải xem cực kỳ kỹ càng, không để lọt một cái xương nhỏ... và khi tất cả bảo đảm yêu cầu mới nhận vào lớp. Chuẩn bị giờ ngủ, cô phải lật từng chiếc chiếu, giũ từng tấm chăn, kiểm tra từng chiếc gối... Mọi công việc ấy là để đến cuối ngày, các bé trở về với gia đình an toàn, các cô mới thở phào nhẹ nhõm.

Và những niềm vui của bé

Rất chân thành và cởi mở, cô giáo Liễu tâm sự: “Thật tiếc là các mẹ (các cô giáo vẫn dùng danh từ này khi nói chuyện với phụ huynh) không được chứng kiến một ngày học trọn vẹn của con mình theo thời khóa biểu. Trẻ mới bắt đầu đi học mẫu giáo thường khóc rất nhiều, có cháu khóc hàng tiếng đồng hồ, có cháu hôm nào đi học cũng khóc, kéo dài 3 đến 4 tháng liền. Thế nhưng khi đã ổn định lớp, các cháu hòa nhập rất nhanh, hồn nhiên, ngây thơ và đáng yêu. Nói thật với mẹ, phải thật sự có tình yêu con trẻ và tính kiên nhẫn mới làm tốt được công việc này. Nhiều lúc “chạy” theo các cháu, mệt rã rời vẫn phải cố gắng để không xảy ra những điều đáng tiếc khiến phụ huynh phiền lòng”.

Những năm đầu đời – cơ hội cho cả cuộc đời. Mỗi ngày đi học là một ngày vui của bé. Về nhà, các bé líu lô kể chuyện, hát, đọc thơ, nhận biết thế giới xung quanh – phần lớn là nhờ các cô dạy hàng ngày. Trường Mầm non Thực hành là trường mầm non đầu tiên đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng, giáo dục, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hội thi.. với sự tham gia của cô và bé, tạo niềm vui, kích thích phát triển trí tuệ của các cháu. Các phụ huynh gửi con vào trường đều có chung nhận xét là rất yên tâm và tin tưởng. Chẳng thế mà mỗi đợt tuyển sinh, nhà trường rất vất vả và “khó xử” vì lượng hồ sơ xin học vượt quá 4 – 5 lần chỉ tiêu. Trong khi điều kiện vật chất và cơ sở không cho phép, nhà trường chỉ biết nói lời cảm ơn trước sự tin tưởng của phụ huynh. Đó cũng là động lực để đội ngũ giáo viên nhà trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu đó.

“Mùa xuân, ai đi hái hoa. Còn em đi nuôi dạy trẻ...”. Lời bài hát mang ý nghĩa thật sâu sắc! Xin cảm ơn các cô giáo mầm non, bởi chính họ đã cùng mỗi gia đình đem lại những cơ hội tốt đẹp trong những năm đầu đời của con trẻ!

Hồng Thanh Tâm

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm nay diễn ra đúng lúc cả nước khẩn trương triển khai sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là thời cơ và cũng là thách thức lớn đối với tổ chức Đoàn, Hội trong kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè của trẻ em thành phố là những chuyến du lịch cùng gia đình, về quê nội, ngoại hay khám phá các khu vui chơi cùng bố mẹ. Nhưng với trẻ em vùng cao, mùa hè là khoảng thời gian để giúp đỡ gia đình. Mùa hè với mỗi đứa trẻ đều có ý nghĩa khác nhau, dù đủ đầy hay vất vả, đều là những kỷ niệm đáng nhớ, đem lại nhiều bài học trong cuộc sống sau này.

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

fb yt zl tw