Nuôi con học đại học trong hoàn cảnh chồng ốm đau bệnh tật triền miên, bản thân không có lương vì cơ quan giải thể. Mọi chi phí trong gia đình đều trông vào buổi chợ rau cá của chị. Bởi thế mà bữa cơm của cô sinh viên nghèo Lê Thu Hà con gái chị phần nhiều chỉ là nước sôi với muối lạc. Năm 2007, chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái triển khai nhanh chóng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: đảm bảo cho học sinh, sinh viên không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu... đã giúp gia đình chị Lan cũng như bao gia đình khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái giải toả được nỗi lo gánh nặng về chi phí đóng góp học tập hàng tháng của con em mình.
Doanh số thu nợ hàng năm của Ngân hàng tăng gần 35%. |
Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai cho hơn 5 nghìn đối tượng học sinh sinh viên nghèo vay vốn với số tiền trên 35 tỷ đồng. Chương trình cho vay này cũng mở ra hướng mới cho công tác đào tạo nghề của tỉnh Yên Bái, với mục tiêu đến năm 2010 tối thiểu 45-50% lao động trong tỉnh phải được qua đào tạo nghề. Đây chỉ là 1 trong số nhiều chương trình mà Ngân hàng CSXH Yên Bái đang triển khai thực hiện rất hiệu quả.
Được tách ra từ hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT (tháng 3 năm 2003), khi mới ra đời, Ngân hàng CSXH Yên Bái mới thực hiện 2 chương trình cho vay là cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay giải quyết việc làm (120) với số dư nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Kho bạc nhà nước chuyển sang là 174 tỷ đồng, nợ xấu hơn 8%.
Sau 5 năm hoạt động đến nay Ngân hàng đã thực hiện cho vay 7 chương trình. Với nguồn vốn tăng trưởng hàng năm bình quân 21,72%, doanh số cho vay mỗi năm tăng 36,9%, doanh số thu nợ tăng gần 35%, hết năm 2007, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Yên Bái đã đạt 450 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng so với năm 2006, nâng mức tăng bình quân mỗi năm của ngân hàng lên trên 22%. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất với trên 3000 tổ tiết kiệm và vay vốn bám sát thôn, bản, tổ dân phố đã thực sự trở thành cầu nối vững chắc đưa đồng vốn của Chính phủ đến tận tay hộ nghèo, hộ chính sách. Năm 2007 đã có trên 9.400 hộ hưởng lợi từ nguồn vốn vay của chương trình này thoát được nghèo.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH Yên Bái đã xây dựng được 150 điểm giao dịch lưu động trên địa bàn 180 xã, phường của tỉnh. Thông qua mạng lưới tổ chức hoạt động quy mô rộng, chặt chẽ tới tận thôn, bản xa xôi; với phương châm xã hội hoá, dân chủ, công khai hoạt động của ngân hàng đã giúp các hộ nghèo và đối tượng hưởng thụ giải quyết được những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đồng thời thay đổi căn bản hành vi nhận thức, xoá dần tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.
5 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH Yên Bái đã đóng góp đáng kể vào vào thành tựu giảm nghèo của tỉnh. Giai đoạn 2008 – 2010, nhiều mục tiêu hoạt động của ngân hàng đã xác định cụ thể nhằm hướng tới một mục tiêu chung đó là xoá nghèo bền vững đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Minh - Thanh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu