Theo dự luật, một trong 22 hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển ôtô, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều khiển môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml, hoặc 0,25 mg/lít khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
So với luật hiện hành, dự thảo đã tách bạch giữa người điều khiển môtô với người lái ôtô. Nồng độ cồn cũng được hạ thấp. Luật giao thông đường bộ hiện nay quy định cấm người đang điều khiển xe trên đường (không phân biệt ôtô hay xe máy) mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc 40 mg/lít khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
Đa số ủy viên Thường vụ tán đồng với quy định mới này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cấm tuyệt đối không có cồn trong máu, hoặc khí thở là tốt nhất. "Ta cứ nói là tập quán uống rượu bia phổ biến trong dân, nhưng phải xem tập quán đó có tốt không? Các bạn quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy dân ta nhậu nhẹt suốt".
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng giải trình, Chính phủ rất phân vân, có ý kiến muốn cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ còn trong máu, hoặc khí thở, nhưng thực tế không thể khả thi vì Việt Nam có tới 21 triệu người có xe máy. "Chúng tôi đã tham khảo quy định của 83 nước về vấn đề này và đưa ra một hạn mức cồn phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông", ông Dũng nói.
(Theo VnExpress)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu