Những người dạy chữ trên non

YBĐT - Từ trụ sở UBND xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đi khoảng nửa giờ xe máy đến thôn Háng Tầu, sau đó mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ trên những con đường đèo dốc gập ghềnh, chúng tôi đến với bản Tống Trong – một trong những bản xa nhất và khó khăn nhất của xã. Cả bản có 41 hộ dân thì đến 50% số hộ thường xuyên phải hỗ trợ cứu đói.

Chính vì vậy, việc học của những đứa trẻ cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền cơ sở và ngay của những người sinh thành. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng cùng với nhận thức hạn chế đã khiến cho nhiều gia đình bố mẹ không đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông nên cũng không muốn cho con đi học, nhất là trong thời vụ sản xuất thì việc các thầy cô giáo vận động được học sinh đến lớp đầy đủ cũng là một khó khăn.

Trường học ở bản Tống Trong có 2 giáo viên, 41 học sinh được chia thành 2 lớp ghép, 1 lớp treo với 5 trình độ. Bản không có trường trung học cơ sở, nếu em nào muốn học cao hơn thì xin sang trường bán trú dân nuôi ở trung tâm xã. Được sự đầu tư của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, cơ sở vật chất nhà trường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.

Cô giáo Phạm Thị Tố Uyên – người đã 7 năm cắm bản trên vùng cao cho biết, trước đây, cô đã từng có 4 năm công tác ở Bản Mù, một năm ở Xà Hồ và hai năm ở Túc Đán. Cô lên với bản Tống Trong từ đầu năm học theo sự luân chuyển của nhà trường. Cuộc sống của các cô giáo cắm bản ở vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn, đường sá xa xôi mà chủ yếu là đi bộ; sinh hoạt hàng ngày không thuận tiện, xa khu dân cư, không có điện thắp sáng, nước sạch dùng sinh hoạt hàng ngày phải đi xách mất khoảng nửa giờ đi bộ. Để chuẩn bị giáo án, các cô thường tranh thủ soạn khi học sinh nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều, nhiều tối phải thắp nến, thắp đèn để soạn bài.

Là bản có 100% người Mông sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế, nhiều gia đình không muốn cho con đi học, nhất là đối với con gái nên tỷ lệ học sinh nữ chỉ chiếm 1/3. Các thầy cô phải thường xuyên đến tận nhà để vận động cha mẹ cho các em ra lớp, nhất là trong những ngày mùa. Năm nay, do trường của bản Tống Trong không có lớp mầm non nên một số cháu học mẫu giáo phải ngồi cùng học sinh lớp 1. Còn nếu gia đình nào có anh em ở bản khác thì gửi con sang đó học nhờ.

Hầu hết học sinh vào lớp 1 không biết tiếng phổ thông nên thầy cô truyền đạt kiến thức theo cách riêng của mình. Thầy giáo Thào A Khua cho biết: “Mình là người Mông nên có nhiều thuận lợi trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh vì có những từ phải giải nghĩa bằng tiếng Mông thì các em mới hiểu hết được nghĩa của từ đó. Hầu hết các cô giáo đi cắm bản đều có thể nói được tiếng Mông”.

Yêu nghề, yêu trẻ cùng sự động viên, giúp đỡ của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để các thầy cô gắn bó với vùng cao. Cô Uyên tâm sự, mặc dù chồng cô chưa một lần lên bản Tống nhưng qua những lời cô kể, anh ấy cũng hình dung được những khó khăn, vất vả của vợ. “Mỗi lần từ nhà lên bản, anh ấy đều chuẩn bị cho tôi rất chu đáo cả thực phẩm, thuốc men và luôn động viên tôi cố gắng công tác. Chồng và con là chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với tôi”. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, cô Uyên trồng thêm mấy luống rau xanh vì ở đây cả tuần mới đi chợ. Khó khăn là vậy nhưng các thầy giáo, cô giáo luôn cố gắng đem cái chữ đến với các em nhỏ nơi đây.

Trường PTCS xã Túc Đán hiện có 37 cán bộ, giáo viên, trong đó 3 người làm công tác quản lý, còn lại những giáo viên khác đều được luân chuyển đến những bản khó khăn để bảo đảm công bằng. Nhà trường có 6 điểm trường thôn, bản và trường bán trú dân nuôi ở trung tâm xã. Các điểm trường khác tuy xa nhưng có đường đi xe máy, chỉ hai thôn Tống Ngoài và Tống Trong là không có, lại xa trung tâm xã nên các giáo viên cắm bản ở đây gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Thầy giáo Nguyễn Đăng Vinh – Hiệu trưởng Trường PTCS Túc Đán cho biết: “Cứ hai năm, nhà trường lại luân chuyển giáo viên lên bản Tống một lần từ thấp lên cao. Trường cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các giáo viên lên vùng cao yên tâm công tác”.

Các thầy, cô giáo cắm bản không chỉ là người đem cái chữ đến với vùng cao mà còn là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào, giúp dần xóa bỏ các tập quán lạc hậu. Người dân thường gọi họ là những bông hoa mua rừng đẹp nhất.

   Mạnh Cường

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Hai Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục nước ta.

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chấm thi trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong khâu chấm thi, độ khó của đề thi Toán, Tiếng Anh,...

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 338/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 15 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

fb yt zl tw