Đối với Vân Hội, không có tình trạng trẻ lang thang, bị ngược đãi, do vậy lấy việc phòng ngừa là chính. Tại những thôn xa trung tâm, trẻ em không có điều kiện giao lưu học hỏi; nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em nên hầu như không có thời gian vui chơi, thiếu những hiểu biết cơ bản về tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu của tuổi mới lớn. Tại đó, Ban Dân số xã phối hợp với chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đặc biệt là các gia đình, giúp các em thường xuyên nhận được sự chia sẻ thông tin từ cha mẹ, từ những buổi sinh hoạt Đoàn - Đội tại thôn và trong nhà trường để có những kiến thức cơ bản biết cách tự bảo vệ mình.
Đặc biệt, trong dịp hè, khi không đến trường, không có sự quản lý của thầy cô, các em rất dễ sa ngã, bị lôi kéo vào trò chơi điện tử, trang web không lành mạnh và dễ bị tai nạn thương tích. Nhận được kế hoạch nghỉ hè, Ban Dân số xã đã thống kê đầy đủ số em từ 16 tuổi trở xuống, phối hợp với chính quyền giao trách nhiệm quản lý cho bí thư chi đoàn các thôn; thường xuyên tổ chức vui chơi, văn nghệ, đồng thời Đoàn xã phải có kế hoạch báo cáo đầy đủ, kịp thời về những chi đoàn không sinh hoạt để có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, do chưa được tập huấn kiến thức, kỹ năng về các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em tại cộng đồng nên việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở đây vẫn chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm chứ chưa có một mô hình cụ thể. Chính bởi những hạn chế đó nên năm 2007, xã đã xảy ra một trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Khi vụ việc xảy ra, bị cáo Hoàng Văn S mới 17 tuổi, còn bị hại Nguyễn Thị Hồng T cũng mới 13 tuổi, cùng ở bản Chao là một trong những thôn bản xa trung tâm. Sự việc được biết đến khi người lớn phát hiện ra, nếu không cũng sẽ không ai biết bởi không có bên nào khiếu kiện bên nào.
Lý giải vấn đề này, bà Hoàng Thị Thi cho hay: “Cả hai cháu đều thật sự có tình cảm với nhau nhưng lại thiếu những thông tin cần thiết về tâm sinh lý, giới tính. Bây giờ, nhờ có công tác tuyên truyền, vận động nên vấn đề tảo hôn đã không còn, chứ nếu như vài năm trước thì các cháu được hai gia đình đồng ý cho cưới rồi”.
Có một thực tế, không phải riêng với những em nhỏ mà ngay cả người lớn cũng chưa thật sự hiểu biết về giáo dục giới tính, tâm sinh lý và pháp luật. Khi vụ việc xảy ra mới khiến họ giật mình bởi ít ai biết rằng, những trường hợp như thế sẽ bị pháp luật nghiêm trị. “Chúng nó thích nhau thì mình sẽ cho cưới thôi, sao lại phải bắt nó đi tù?” - đó là những câu nói rất hồn nhiên của người thân gia đình bị cáo khi chúng tôi đến tìm hiểu về vấn đề này. Sau sự việc này, Ban Dân số xã đã phối hợp với Công an xã, nhà trường tổ chức tọa đàm, nói chuyện, phổ biến các kiến thức tâm sinh lý cho hơn 50 lượt học sinh trung học cơ sở tham gia; phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh.
Tuy nhiên, nhiều tụ điểm vui chơi, sinh hoạt cho trẻ trong dịp hè vẫn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù xã đã xây dựng chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2006 - 2010, song để chương trình trở thành hành động cụ thể thì Vân Hội cần rất nhiều yếu tố như: kinh phí hoạt động, sự vào cuộc của các ngành, nhất là phía gia đình và nhà trường. Đồng thời, Ban Dân số xã cần được tập huấn kỹ năng tuyên truyền về các vấn đề tâm sinh lý cho các em, trong đó đặc biệt chú trọng đến trẻ em gái.
Bên cạnh đó, Ban Dân số xã cũng cần làm tốt chức năng tuyên truyền Luật Hôn nhân - Gia đình, ngăn chặn triệt để tình trạng tảo hôn...
Lê Thanh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu