Sáng 25/9, huyện Trạm Tấu tiếp tục chỉ đạo các thành viên của Ban chỉ huy PCLB xã xuống các thôn, bản, kiểm tra rà soát các khu vực dân cư sống ven các sườn núi, khe suối có nguy cơ sạt lở cao, có phương án sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đến thời điểm 9h30 phút các xã, thị trấn đã báo cáo tình hình triển khai ở cơ sở và có kế hoạch di rời các hộ trong khu sạt lở tổng số là 43 hộ. Trong đó Xã Hát Lừu: 11 hộ (Lừu 1: 11 hộ, Lừu 2: 4 hộ); Xã Phình Hồ: 20 hộ (Suối Xuân 5 hộ, Tà Chử: 10 hộ, Bản Cại: 5 hộ); Xã Làng Nhì: 1 hộ (thôn Chống Chơ: 1hộ); Thị trấn Trạm Tấu: 5 hộ (Khu 4: 3 hộ, Khu 2: 2hộ); Xã Bản Công: 6 hộ (thôn Khấu Chu:3 hộ, thôn Bản Công: 3hộ).
Tất cả các hộ nằm trong khu vực nguy hiểm đã có phương án di dời khi có mưa to. Các em học sinh của Phân hiệu hai Trường tiểu học Kim Đồng thuộc khu 4 thị trấn Trạm Tấu đã được di dời đến nơi an toàn, trường hợp có mưa to sẽ cho các em học sinh nghỉ đảm bảo an toàn.
Các đơn vị thi công tuyến đường Trạm Tấu-Bắc Yên, Làng Nhì-Bản Mù, Phình Hồ-Làng Nhì đã di dời máy móc đến điểm an toàn.
Huyện đã bố trí lực lượng ứng trực của các thôn bản, cảnh giới tại các khu vực khe suốt, kiên quyết không để người dân và các phương tiện đi lại tại các khu vực có dòng chảy xiết. Ngăn chặn các trường hợp cố tình vớt củi, đánh bắt cá trên các dòng suối khi có lũ.
Hiện tại các lực lượng công an, Ban chỉ huy quân sự huyện, phòng y tế, bưu điện huyện… đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu, đảm bảo thông tin, liên lạc khi có sự cố xảy ra.
* Thực hiện các công điện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Yên đã có Công điện số 08, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã thị trấn triển khai kịp thời những biện pháp cấp bách phòng chống cơn bão số 6.
Đến 18h ngày 24.9, huyện đã huy động lực lượng cứu hộ gồm 893 người với 59 thuyền mảng, 121 xe vận chuyển các loại, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có thiên tai. Các xã, thị trấn đã khẩn trương sơ tán, di rời 304 hộ trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn.Trong đó, 86 hộ trong vùng ngập úng; 215 hộ vùng có nguy cơ lũ quét, 3 hộ đang ở lều lán trại trên nương rẫy.
Tại xã Châu Quế Hạ, Ban chỉ huy PCLB-TKCN đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp, chủ động di rời 4 hộ có nhà dưới chân núi có vết nứt sâu trên dưới 1m.
Các xã ven sông Hồng như An Thịnh, An Bình, Phong Dụ Thượng, thị trấn Mậu A đã vận động nhân dân sơ tán người và tài sản.
Những nơi dễ xảy ra lũ quét, lũ ống như Lâm Giang, Xuân Tầm, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng... đã chủ động di rời các hộ sống ở nơi nguy hiểm tới nơi an toàn. Tại các xã, thị trấn, Ban chỉ huy PCLB-TKCN đã chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa.
Hiện tại, Văn Yên đã có trên 1.000 ha lúa mùa chín, trong đó các xã vùng có nguy cơ ngập lụt là 200 ha. Công tác cảnh báo, dự báo và thông tin diễn biến của cơn bão số 6 được cập nhật thường xuyên tới người dân thông qua hệ thống truyền thanh.
Phòng Y tế, Bệnh viện Đa khoa và trạm y tế cơ sở chuẩn bị đủ cơ số thuốc, sẵn sàng cứu chữa các nạn nhân của bão lũ. Ngành điện lực, viễn thông có phương án phòng chống và chuẩn bị đủ vật tư dự phòng, sẵn sàng khắc phục sự cố do bão lũ.
Đáng chú ý, rút kinh nghiệm trong cơn bão số 4, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Văn Yên đã thành lập 4 tổ chỉ huy PCLB-TKCN thường trực tại các khu vực trong huyện.
Tổ chỉ huy trung tâm, thường trực tại UBND huyện; tổ chỉ huy cụm xã thượng huyện, thường trực tại xã An Bình; tổ chỉ huy cụm xã vùng Phong Dụ Thượng; thường trực tại xã Phong Dụ Hạ; tổ cụm xã phía Tây thường trực tại xã Đại Sơn.
Việc thành lập các tổ chỉ huy thường trực tại các khu vực trên nhằm phòng ngừa bão số 6 có thể gây chia cắt cục bộ, cản trở công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác PCLB-TKCN.

Người dân Lục Yên di dời khỏi vùng có nguy cơ cao.
* Theo số liệu thống kê của huyện Lục Yên (Yên Bái), đến nay đã có 165/230 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh và huyện là di chuyển nhà cửa khỏi nơi ở cũ. Số gia đình này chủ yếu nằm ở cụm 7 xã ven quốc lộ 70 - nơi chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 4.
Những gia đình còn lại hầu hết ở các xã khu vực phía đông huyện, trong đó xã Mường Lai có tới 27 hộ gia đình định cư dưới chân đập thủy lợi Từ Hiếu - con đập hiện đang ngăn một lượng nước khổng lồ. Xã Vĩnh Lạc, trên 10 hộ gia đình hiện vẫn đang cư trú tại nơi ở cũ là các điểm có nguy cơ đá lăn, chân taluy - đây là những nơi đặc biệt nguy hiểm vì sau thời gian mưa kéo dài, đất no nước rất dễ gây sạt lở…
Cấp ủy, chính quyền địa phương cần kiên quyết hơn nữa trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương di dời của tỉnh, huyện, tránh gặp phải hậu quả đáng tiếc.
Nhóm PV truyền về từ các huyện
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu