Giải pháp nào cho chất lượng giáo dục ở Mù Cang Chải?
- Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Toàn huyện Mù Cang Chải có 31 trường học (trong đó 1 trung tâm giáo dục thường xuyên) với 552 lớp, 14.452 học sinh các cấp và trên 830 cán bộ giáo viên. Năm 2001 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chất lượng giáo dục của huyện Mù Cang Chải vẫn còn nhiều điều rất băn khoăn.
Lớp 5, Trường PTCS Mồ Dề do cô giáo Hoàng Thị Thắng dạy môn toán có 19 học sinh thì vắng tới 10 em lý do ở nhà giúp bố mẹ làm mùa.
|
Thực trạng
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, sự nghiệp giáo dục huyện vùng cao Mù Cang Chải cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô trường lớp ngày càng được củng cố và mở rộng, số lượng học sinh các bậc học tăng dần. Đến nay, toàn huyện có 31 trường học (trong đó có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên) với 552 lớp, 14.452 học sinh các cấp và trên 830 cán bộ giáo viên; năm 2001 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Vậy mà, hiện nay tỷ lệ học sinh ở bậc tiểu học và THCS còn có trường hợp chưa "đọc thông viết thạo", tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT hàng năm đạt thấp, số lượng học sinh thi và đậu vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cách đây mấy năm, chúng tôi đã có chuyến tháp tùng đồng chí Phùng Quốc Hiển, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái đến thăm và kiểm tra tại Trường PTCS Mồ Dề (xã Mồ Dề). Sau khi nghe báo cáo về tình hình dạy và học của nhà trường, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trực tiếp kiểm tra kiến thức về đọc, viết với nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 9, nhưng buồn thay hầu hết các em khi được kiểm tra đều trả lời không biết đọc, kể cả học sinh lớp 9. Đầu tháng 10/2008, chúng tôi trở lại trường Mồ Dề. Điểm trường chính nằm sau trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang sạch đẹp. Đội ngũ giáo viên trẻ có kiến thức chuẩn cũng đã được tăng cường. Tuy nhiên, một điều làm chúng tôi không khỏi buồn lòng đó là tỷ lệ học sinh đến lớp quá thấp, số học sinh chưa "đọc thông viết thạo" còn chiếm đa số. Được sự cho phép của cô giáo Nguyễn Thị Hiên-Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi đến thăm các lớp 5, lớp 6 và lớp 7 của trường. Lớp 5 có tổng số 19 học sinh thì vắng 10 em, trong số 9 em đến lớp có tới 6 em chưa biết đọc một bài thơ trong chương trình lớp 5. Còn lớp 6 có 25 học sinh thì vắng 12, qua kiểm tra 15 em đến lớp chỉ có 3 em biết đọc. Rồi đến lớp 7 có 27 học sinh thì vắng tới 14 em, trong số 13 em đến lớp chỉ có 5 em biết đọc, số còn lại đều "chi pâu" (có nghĩa là không biết) như các em: Sùng A Là, Rùa A Tông, Cứ A Dê, Thào A Tu, Sùng Thị Mu, Sùng Thị Phếnh...
Giải thích vì sao học sinh nghỉ học nhiều và không biết đọc, cô giáo Phạm Thị Hiền - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện đang là mùa thu hoạch lúa, các em phải nghỉ học để giúp bố mẹ. Hơn nữa, các học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 đã trở thành lao động chính nên có nhiều phụ huynh đến đề nghị với nhà trường cho con họ nghỉ 1 tuần để làm mùa, như bố mẹ của hai em Sùng A Tông và Sùng A Tểnh". Qua tìm hiểu, hầu hết gia đình các em đều thuộc diện nghèo đói quanh năm, thậm chí cả năm học các em chỉ có một bộ quần áo. Cơm không no, mặc không ấm nên chuyện học sinh ở đây nghỉ học lên nương, vào rừng giúp đỡ bố mẹ để có cái ăn hàng ngày là chuyện bình thường. Theo cô giáo Hiền, học sinh nghỉ học nhiều nhất là vào dịp Tết, ngày mùa. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần ở bậc tiểu học và THCS đạt không cao.
Tuy đến lớp học nhưng em Sùng A Của học sinh lớp 5 Trường phổ thông cơ sở Mồ Dề phải nhờ đến cô giáo mới đủ sức đánh vần để đọc bài.
Không chỉ ở Mồ Dề, công tác giáo dục của các cấp học từ mầm non đến THCS ở xã Hồ Bốn cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong việc huy động học sinh đến trường. Theo biên bản kiểm tra, giám sát về công tác giáo dục và đào tạo ngày 1/10/2008 của đoàn công tác liên ngành huyện Mù Cang Chải tại xã Hồ Bốn thì tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở ngành học mầm non đạt trên 80%, tiểu học đạt từ 70-75% và trung học cơ sở đạt trên 41% đấy là con số ghi trong biên bản kiểm tra, còn con số thực theo thu thập của chúng tôi thì có khác! Ở các xã như Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Khao Mang, Chế Tạo, Kim Nọi, La Pán Tẩn... công tác huy động học sinh đến trường thường xuyên cũng còn là vấn đề nan giải. Còn chuyện chất lượng? Tỷ lệ học sinh chưa "đọc thông viết thạo" quá cao. Thế mà theo báo cáo, năm 2007, số xã, thị trấn duy trì và đạt chuẩn về phổ cập giáo dục vẫn đạt tỷ lệ cao: đạt chuẩn về chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học ở 14/14 xã, thị trấn, bằng 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đạt 92,8%!
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện công tác quản lý giáo dục ở các xã, thị trấn cũng như trong các trường học chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động học sinh đến trường. Sự phối hợp, quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền, cơ sở, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân chưa đồng bộ, chưa xem đó là nhiệm vụ của mình. Và những khó khăn cố hữu là điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nghèo nàn, nhiều tập quán lạc hậu chưa được khắc phục, hầu hết các bậc phụ huynh còn quan niệm: "Đói chữ không chết, đói bụng mới chết"; đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu. Đến nay, chỉ tính riêng ngành học tiểu học còn thiếu trên 80 giáo viên. Bậc học THCS chưa đồng bộ về cơ cấu môn học, đó là các giáo viên Văn, Sử thì thừa còn giáo viên Toán, Lý, Hoá, Vật lý, Địa lý thì thiếu. Về trình độ chuyên môn tuy đã được chuẩn hoá về ở hai cấp học mầm non và tiểu học, đó là chuẩn hoá về phẩm chất đạo đức lối sống, về kiến thức, về kỹ năng sư phạm nhưng đến thời điểm này, ngành giáo dục Mù Cang Chải vẫn chưa đánh giá được về chất lượng chuẩn của các giáo viên; chưa có điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên khi lên công tác tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, phòng học thiếu. Hiện toàn ngành đang sử dụng 139 phòng học tạm, gần 30 điểm trường chưa có phòng học kiên cố. Đề án kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2 (2008-2012) của huyện với quy mô 181 phòng học, 256 nhà công vụ; trong đó, năm 2008, ngành giáo dục được phê duyệt 29 phòng học, 53 nhà công vụ. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc thực hiện Đề án mới dừng ở khâu thiết kế, giải phóng và san gạt mặt bằng. Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2008, liệu kế hoạch dựng 29 phòng học và 53 nhà công vụ có hoàn thành đúng như kế hoạch không là câu hỏi đang chờ đợi. Đặc biệt, Mù Cang Chải chưa coi trọng việc đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất các "trường vệ tinh" hay còn gọi các cơ sở bán lẻ, mà chỉ chú trọng vào các điểm trường chính, bán trú cho học sinh lớn, vô hình dung đã bỏ qua mô hình trường gần dân, học sinh gần thầy, thầy bám lớp, bám trường.
Để công tác giáo dục của huyện Mù Cang Chải có chất lượng theo đúng nghĩa, không chỉ làm được trong một sớm một chiều, mà cần phải có tính quy hoạch, thời gian và lộ trình.
Tuy nhiên, để từng bước đáp ứng được nhu cầu về dạy và học, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Mù Cang Chải là phải giải quyết được cái ăn cái mặc cho người dân. Mà 2 việc này thì nhà nước quan tâm rất nhiều nhưng bản chất tập tục lạc hậu cách sống và làm ăn còn rất cố hữu của đồng bào vùng cao. Phải kiên trì làm nhiều cuộc cách mạng mọi mặt trong thời gian dài mới khắc phục được. Các ngành, các cấp phải kiên trì vào cuộc thực sự để đem đến nhận thức mới cho đồng bào, để thay đổi cuộc sống của họ.
Trước mắt Mù Cang Chải cần phải bám sát nghị quyết của Đảng bộ về công tác giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và 2015; vận dụng các chỉ thị của Bộ Giáo dục- Đào tạo để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đồng bộ về giáo dục, tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giáo dục. Huyện cần chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền phối hợp với ngành giáo dục, các trường học rà soát lại hệ thống, quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên để xác định hướng chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng vai trò của các tổ chức đoàn thể để phối hợp tuyên truyền, vận động, duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp; đổi mới công tác quản lý giáo dục ở các bậc học, chủ động xây dựng kế hoạch trong năm học, làm tốt công tác tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền về công tác giáo dục và làm thế nào để công tác giáo dục là sự nghiệp chung của gia đình và của toàn xã hội. Bên cạnh đó, xác định lại tư tưởng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc bám trường bám lớp ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" trong các nhà trường, tạo ra môi trường giáo dục tốt, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, nhằm thu hút trẻ đến trường; đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, học viên theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học; triển khai và thực hiện tốt Chương trình Nhân viên hỗ trợ giáo viên thuộc Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ giáo dục - đào tạo và sở giáo dục đào tạo cần nghiên cứu chỉnh lý giáo trình dạy học sinh lớp 1 ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Vì khi bước vào lớp 1 học sinh phải nhận biết được mặt chữ biết số 1,2,3... Nhưng ở vùng cao các cháu không đi mẫu giáo nên, khi vào lớp 1 coi như lúc đó mới đi mẫu giáo, thì chương trình kiến thức lại là của lớp 1 . Nên các em không thể tiếp thu và cứ thế bệnh thành tích kéo theo đã làm các em mù chữ...Có điều chỉnh như vậy, công tác giáo dục ở huyện vùng cao mới có thể vượt qua những khó khăn cố hữu, từng bước bắt kịp chất lượng giáo dục các huyện vùng thấp trong tỉnh.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Hội phụ nữ phường Nguyễn Thái Học là một trong nhiều Hội phụ nữ cơ sở hoạt động hiệu quả trên địa bàn thành phố. Bởi sự sáng tạo trong các phong trào Hội, bởi sự cụ thể hóa các hoạt động, nhiệm vụ của Hội với thực tế tại địa phương, phù hợp với hoàn cảnh của từng hội viên.
Tất cả các cuộc gọi tới thuê bao điện thoại cố định của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ chỉ có thể thực hiện được khi thêm số 3 vào đầu thuê bao đã có trước đó bắt đầu từ ngày hôm nay, 19/10.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ tuy số lượng sữa nhiễm melamine nhập khẩu vào Việt Nam không nhiều (chỉ 1%) nhưng cần sớm lập lại thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân; tiếp tục thanh tra quyết liệt thị trường sữa và hoàn thiện hệ thống kiểm nghiệm.
VPCP vừa hỏa tốc gửi công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tới Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin & Truyền thông, UBND các tỉnh thành về tăng cường kiểm tra, kết luận chính xác các sản phẩm sữa nhiễm melamin.