Mưa lũ cũng làm 54.356 ha cây rau, hoa, cây màu vụ đông, lúa muộn bị ngập úng không còn khả năng cho thu hoạch; 9.720 m tường rào bị đổ. Mưa lớn làm sập 21 ngôi nhà, 34.868 hộ dân bị ngập, 5.183 hộ dân phải di dời. Gia súc, gia cầm chết 72.456 con. Một số điểm của các tuyến đê nội thành bị sạt lở, công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Ngập úng ảnh hưởng đến sinh họat, đi lại của nhân dân nói chung và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của nhiều khu dân cư, việc sản xuất, kinh doanh dịch vụ của nhiều đơn vị, cơ sở bị đình trệ và thiệt hại về tài sản.
Tại Nghệ An, đến chiều tối 3/11 cũng đã xác định có 23 người chết và mất tích do mưa lũ. Đây là thời điểm Nghệ An có số lượng người bị chết vì mưa lũ nhiều nhất trong năm. Trong số những người bị chết phần lớn là học sinh đang trên đường đi học và những người đi đánh bắt cá, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù trước đó, đã có cảnh báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An, nhưng đối với nhiều hộ dân và địa phương trong tỉnh, mưa lũ diễn ra bất ngờ, nhiều người không kịp đề phòng. Trong khi đó, tại các huyện miền núi và ven sông Lam (sông lớn nhất chảy qua địa bàn tỉnh), ngay trong mưa lũ vẫn xuất hiện nhiều người đi đánh bắt cá và vớt gỗ củi do các cây rừng ngã đổ trôi theo sông.
Đến 19 giờ 45 phút ngày 3/11, tại các xã ven sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn vẫn đang có hàng chục xóm, người dân chưa thể đi lại vì nước đang ngập sâu 1,2 m đến 1,5 m. Quốc lộ 48 từ thành phố Vinh lên huyện miền núi Kỳ Sơn đang bị sạt lở và ngập lụt nhiều điểm, xe ô tô không thể qua lại.
Theo báo cáo nhanh, do mưa lũ, Hà Tĩnh cũng đã có 20 người chết, Vĩnh Phúc 4 người; Bắc Giang 3 người; Hòa Bình, Thái Nguyên mỗi tỉnh 2 người; Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nam và Quảng Bình mỗi tỉnh 1 người chết. Ngoài ra, còn có 5 người mất tích ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
(Theo VnMedia)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu