Ban đầu chỉ với 28 thành viên, đến nay, CLB đã có trên 300 thành viên sinh hoạt ở 11CLB trực thuộc. CLB thực sự là cầu nối để các nữ doanh nhân hiểu nhau, liên kết kinh doanh với nhau, cùng phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, vận tải hàng hoá, san gạt mặt bằng, nhà nghỉ… của chị Nguyễn Thị Huệ thuộc phường Trung Tâm – thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ năm 2000 với số vốn ban đầu là 1, 7 tỷ đồng. Đến nay doanh nghiệp của chị đã có số vốn lưu động lên tới trên 7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động và rất nhiều lao động thời vụ khác, thu nhập trung bình của lao động đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng và được đóng bảo hiểm. Năm 2008, doanh thu doanh nghiệp ước đạt 15 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 280 triệu đồng. Tham gia CLB nữ doanh nhân từ năm 2004, chị đã được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh từ những thành viên trong CLB, đồng thời chị cũng được tham gia các lớp tập huấn về quản lý tài chính. Và đặc biệt, tham gia CLB chị có thêm nhiều đối tác làm ăn bền vững là các thành viên của CLB.
Hoạt động của CLB đáp ứng được nguyện vọng của các thành viên, tạo nhiều cơ hội để các nữ doanh nhân được tập huấn, nâng cao trình độ quản lý, trao đổi kinh nghiệm. Do vậy, trong năm qua, CLB đã cử một số nữ doanh nhân tham gia tập huấn các lớp phát triển mạng lưới CLB, nâng cao trình độ lãnh đạo, với 4 nữ doanh nhân được tập huấn tại Trung ương và 60 nữ doanh nhân được đào tạo, tập huấn tại Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, CLB thường xuyên mở các lớp tập huấn quản lý doanh nghiệp, sử dụng nguồn lao động, maketting thị trường và tìm kiếm tra cứu trên mạng internet, từ đó giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả. Cùng với đó, lực lượng lao động cũng được quan tâm, trong năm qua CLB đã tổ chức cho 144 cán bộ nhân viên và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các nữ doanh nhân được đào tạo, tập huấn các lớp ngắn hạn và dài hạn như tập huấn kỹ năng bán hàng siêu thị, marketing, bán hàng chuyên nghiệp, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ bán hàng, từ đó nâng cao chất lượng lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, CLB thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát 26 cơ sở dạy nghề và tổ nhóm sản xuất của các thành viên CLB từ đó có kế hoạch chỉ đạo, giúp đỡ các ngành nghề đi vào hoạt động. Đầu năm 2008, CLB đã tổ chức hội thảo ra mắt thương hiệu cho 3 sản phẩm: Miến đao Phúc Lộc, khoai tím Lục Yên, cam sen Văn Chấn.
Mặc dù năm 2008 với nhiều khó khăn như khủng hoảng tài chính toàn cầu, lũ lụt xảy ra liên tiếp. Nhưng bằng sự nỗ lực quyết tâm, các nữ doanh nhân Yên Bái đã góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương vững bước đi lên với tốc độ tăng trưởng đạt 12,5% năm, thu ngân sách đạt 385 tỷ (vượt 2,8%), tạo việc làm mới cho 17.500 lao động.
Đội ngũ nữ doanh nhân Yên Bái đã có mặt trên hầu hết các lĩnh vực sản xuất, thương mại – dịch vụ… doanh nghiệp của các nữ doanh nhân là thành viên của CLB có tổng doanh thu 2.482 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 4.000 lao động, trong đó có hơn 2.200 lao động nữ. Nhiều doanh nghiệp của các chị được Cục thuế tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế như: Công ty Hoà Bình do chị Bùi Thị Sửu làm giám đốc; công ty TNHH Đại Vượng của chị Phạm Thị Vượng…
Mặc dù mới thành lập và bước đầu đi vào hoạt động còn gặp không ít khó khăn nhưng những gì mà CLB làm được là đáng ghi nhận, cho thấy sự ra đời của CLB nữ doanh nhân Yên Bái là một hướng đi đúng, tạo điều kiện cho các doanh nhân xích lại gần nhau hơn, tạo mối liên kết chặt chẽ, tạo môi trường trao đổi, truyền tải thông tin nhanh chóng, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.
Thanh Ba
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu