Tất cả hơn 60 hiện vật bao gồm lưỡi cày, cuốc, thuổng, rìu, giáo bằng đồng, kiếm ngắn, dao găm, mũi giáo bằng sắt... vừa được gia đình anh Nông Văn Tính – thôn Sạt Ngọt, xã Đông Cuông trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái (tin đã đưa). Điều đáng nói là trong nhóm cổ vật này có chiếc rìu và chiếc giũa bằng đồng rất có giá trị bởi theo các nhà khảo cổ thì đây là hiện vật lần đầu tiên được tìm thấy ở Yên Bái và được xác định ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn và Hán thế kỷ thứ 2, cách đây 2.000 – 2.500 năm. Những hiện vật được tìm thấy cho thấy, con người ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã biết chế tạo ra những dụng cụ với hoa văn rất tinh xảo như hình người hóa trang lông chim. Ngoài các dụng cụ sản xuất như cuốc, thuổng, còn có các đồ dùng sinh hoạt như chum, âu bằng sứ, các vũ khí chiến đấu như mũi giáo, kiếm và các đồ trang sức như gương, bao tay cũng được người dân tìm thấy trong thời gian qua. Điều này càng chứng minh rõ hơn về sự tiến hóa của con người.
Trao đổi với anh Tính và người dân ở thôn Sạt Ngọt, chúng tôi được biết: việc tìm thấy các cổ vật này của người dân địa phương là hết sức tình cờ. Không chỉ có gia đình anh Tính mà rất nhiều hộ dân sống ở ven sông Hồng thuộc khu vực thôn Sạt Ngọt đã tìm thấy hiện vật. Người dân ở đây còn cho biết, bãi đá sát bờ sông Hồng thuộc khu vực này chính là nơi xuất hiện các cổ vật. Do quy luật của tự nhiên mà phía tả ngạn sông Hồng thuộc khu vực này đã bị lở và bị nước xói mòn, do đó, các tầng đất đá ở đây đã sạt và trôi xuống tạo thành bãi đá rộng, đồng thời kéo theo đó là các cổ vật từng nằm sâu trong lòng đất hàng nghìn năm lộ ra từ lòng đất. Vì thế, người dân ở đây đã tìm thấy khá nhiều cổ vật. Tuy nhiên với mong muốn duy nhất là lưu giữ lại các giá trị văn hóa vật thể để đời đời con cháu hiểu được các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà thời gian qua đã có rất nhiều hộ dân trao tặng lại hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái mà anh Nông Văn Tính là một ví dụ. Anh tâm sự: “Là người dân tộc Dao nên tôi thấy việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa là điều hết sức quan trọng, vì vậy, tôi đã trao toàn bộ hiện vật lại cho Bảo tàng để người dân cũng như con cháu mai sau được tìm hiểu về lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam”.
Ngoài một số hộ dân trong thôn Sạt Ngọt, thời gian gần đây, một số hộ dân của các thôn Thác Cái, xã Đông Cuông sau khi tìm thấy cổ vật đã gọi điện cho Bảo tàng tỉnh để trao tặng lại toàn bộ cổ vật mà gia đình tìm thấy và sưu tầm được. Điều này càng thể hiện rõ nhận thức và ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, những người dân hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng dù hoàn cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn song không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà họ quên đi trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn văn hóa của cha ông. Tính đến thời điểm này, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm cổ vật có giá trị do người dân hiến tặng. Việc làm này của người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi những cổ vật do họ hiến tặng đã bổ sung và làm phong phú thêm bộ sưu tập những hiện vật giá trị của Bảo tàng cùng thạp đồng Hợp Minh, trống đồng, các di chỉ khảo cổ... chứng minh Yên Bái là một trong những cái nôi của người Việt cổ, gắn với lịch sử 4.000 năm hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Mỗi thời kỳ lịch sử đều thể hiện nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của dân tộc, vì vậy, việc gìn giữ bản sắc văn hóa nói chung và lưu giữ những cổ vật nói riêng là việc làm hết sức cần thiết. Và để làm được điều này hơn bao giờ hết, mỗi người dân hãy tự giác nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc như những người dân Đông Cuông đã làm thời gian qua.
Minh Hoà - Nguyễn Hà
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu