Hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2, bản photo mặt trước phiếu số 1 nộp cho trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH, 3 ảnh cỡ 4x6, 3 phong bì đã dán sẵn tem (ghi rõ họ, tên và địa chỉ của thí sinh), bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên...
Thí sinh cần lưu ý khai chính xác, thông tin trên phiếu số 1 và 2, không được tẩy xóa. Nếu viết sai phiếu đăng ký dự thi thì có thể photo hoặc in lại mẫu này tại cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trường hoặc Sở GD&ĐT sẽ giữ lại phiếu số 1, còn phiếu số 2 do thí sinh giữ. Thí sinh chỉ nhận lại phiếu số 2 khi đã được đóng dấu và có chữ ký của người thu, không gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
Nếu có nguyện vọng (NV)1 vào các trường tổ chức thi, cần để trống mục 3, riêng mục 2 ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu, khối thi và mã ngành của trường. Nếu có NV1 học tại các trường không tổ chức thi (hoặc hệ CĐ của trường ĐH), mục 2 chỉ ghi tên trường, ký hiệu và khối thi, không ghi mã ngành; còn mục 3 ghi đầy đủ tên, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường hoặc bậc cao đẳng có NV1.
Dù trước đó Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết có thể tăng lệ phí tuyển sinh để tránh bù lỗ cũng như giảm hồ sơ ảo nhưng theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm nay vẫn giữ nguyên mức lệ phí tuyển sinh. Do đó, thí sinh nộp 40.000 đồng cùng với hồ sơ đăng ký dự thi và khi thi đóng thêm 20.000 đồng lệ phí.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trước 30/5, các trường in giấy báo dự thi và gửi cho các Sở. Một tuần sau đó, các Sở phải hoàn thành việc gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ ở đâu nhận giấy báo dự thi ở đó, hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì gửi kèm.
Năm 2009, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy là hơn 500.000. Trong đó, chỉ tiêu ĐH là hơn 250.000 và CĐ 246.000. Cả nước cũng có 137 trường không tổ chức thi, với tổng chỉ tiêu khoảng 150.000 sinh viên.
(Theo VnExpress)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu