Thực hiện chức năng nhiệm vụ công tác, thời gian qua Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải đã tham mưu cho Thường trực UBND huyện quản lý Nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương. Phòng nghiên cứu, tham mưu giúp UBND huyện xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Qui chế tổ chức, kiện toàn và hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác TTPBGDPL; Quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên pháp luật gồm 38 người; xây dựng báo cáo 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, công tác giám sát đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp; xây dựng kiện toàn ban tư pháp, ban TTPBGDPL và các tổ hoà giải ở các xã...
Hiện nay, toàn huyện đã có 128 tổ hoà giải với 424 thành viên; 14 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Trong năm 2008, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp TTPBGDPL và trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân xã Mồ Dề, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Kim Nọi và Cao Phạ. Quá trình tổ chức tuyên truyền, Phòng đã kết hợp đăng ký khai sinh cho 119 trẻ, đăng ký kết hôn 31 cặp vợ chồng, trợ giúp pháp lý miễn phí 18 trường hợp.
Tuy nhiên, công tác TTPBGDPL ở Mù Cang Chải hiện còn nhiều khó khăn. Do đặc thù vùng cao, đồng bào chủ yếu là dân tộc Mông, không biết chữ, phong tục tập quán lạc hậu và nhận thức còn hạn chế, trong khi việc đi lại tuyên truyền ở cơ sở gặp rất nhiều trở ngại. Cả Phòng Tư pháp chỉ có 3 cán bộ, việc tuyên truyền nhiều khi phải thực hiện vào buổi tối vì ban ngày người dân còn bận lao động sản xuất không thể tập trung đông đủ.
Để công tác TTPBGDPL được triển khai sâu rộng và hiệu quả, ngay từ đầu năm 2009, Phòng Tư pháp huyện chủ động xây dựng Chương trình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Hội Phụ nữ huyện về TTPBGDPL, hoà giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Đồng thời xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch của UBND huyện về chỉ đạo điểm công tác tư pháp xã Lao Chải và triển khai kế hoạch chỉ đạo điểm công tác tư pháp tại xã Khao Mang và Kim Nọi; tổ chức tập huấn qui chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ của 2 xã Khao Mang, Lao Chải.
Phối hợp với chính quyền xã Dế Xu Phình tổ chức TTPBGDPL và trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân 2 bản Dế Xu Phình A và Dế Xu Phình B. Để đồng bào nhận thức được dễ dàng, nội dung TTPBGDPL được dịch ra tiếng địa phương và kết hợp tuyên truyền miệng là chủ yếu. Việc TTPBGDPL tập trung vào một số các văn bản pháp luật thiết thực như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) năm 2008; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Pháp lệnh Dân số và Nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký khai sinh, khai tử. Đối với UBND các xã, thị trấn Phòng hướng dẫn, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân với tổng số 17 buổi cho 903 người tham gia. Các tổ hoà giải ở các xã, thị trấn tích cực hoạt động và hoà giải thành 22/24 việc.
Ông Lý A Lử - Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: “Qua tuyên truyền, nhân dân đã hiểu quyền lợi của mình nên yêu cầu Phòng Tư pháp cùng chính quyền, cán bộ tư pháp xã tổ chức đăng ký khai sinh quá hạn theo Nghị định 158 của Chính phủ. Ngay sau khi được tuyên truyền, nhiều trường hợp đã đến đăng ký kết hôn theo qui định, những mâu thuẫn nhỏ nảy sinh ở cơ sở được tư vấn, giải quyết ngay, bảo đảm đúng luật định. Tuy vậy, việc đưa pháp luật về cơ sở vẫn tiếp tục phải vượt khó nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và nhân dân vùng cao.”
Công tác TTPBGDPL ở Mù Cang Chải nói riêng và ở vùng cao nói chung rất cần được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành về nghiệp vụ, khâu tổ chức triển khai hoạt động; tập trung tuyên truyền qua các hình thức cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho đồng bào tại các bản. Bên cạnh đó, tạo điều kiện nâng cao trình độ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp xã, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ công tác tư pháp ở cơ sở.
Huy Văn
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu