Lớp thanh niên cách mạng đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chúng tôi gặp lại các ông: Đặng Ngọc Chi - Hà Văn Bách - Nguyễn Văn Ngọ - những chiến sĩ giải phóng quân Chiến khu cách mạng Vần lịch sử năm xưa, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Giờ đều đã ngoài tuổi 80, nhưng các ông luôn là những đảng viên trung kiên, tấm gương sáng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, ngời sáng truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường.

Các cựu chiến binh Chiến khu Vần kể chuyện truyền thống cho học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Yên Bái).
Các cựu chiến binh Chiến khu Vần kể chuyện truyền thống cho học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Yên Bái).

Sinh năm 1926 tại thị xã Yên Bái - tỉnh Yên Bái, ông Đặng Ngọc Chi tham gia cách mạng từ khi 16 tuổi. Khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, ông được giao nhiệm vụ binh vận, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho thanh niên. Khởi nghĩa tháng 8/1945, Đặng Ngọc Chi tham gia Đội thanh niên cứu quốc của thị xã, rồi tham gia phụ trách Đội thanh niên trung kiên trong quân đội, có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ cách mạng Vần- Hiền Lương. Năm 1947, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được tổ chức điều động về Sư đoàn 308 làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương lên Việt Bắc. Suốt 28 năm tham gia phục vụ chiến đấu trong quân đội nhân dân Việt Nam, đến năm 1970, do sức yếu, ông về nghỉ hưu tại phường Nguyễn Phúc. Hiện nay ông đang giữ 3 chức trưởng ban là: Ban liên lạc Giải phóng quân Chiến khu Vần, Ban liên lạc Các chiến sĩ Điện Biên phủ (TP Yên Bái) và Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 308.

Ông Hà Văn Bách tại tổ 1, phố Yên Phúc, phường Yên Thịnh (T.P Yên Bái), đã 81 tuổi nhưng trông vẫn rất khoẻ mạnh, hoạt bát. Ký ức của những ngày tháng cách mạng gian khổ hào hùng vẫn như in trong trí óc ông. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đại Lịch (Văn Chấn), Hà Văn Bách tham gia chiến sĩ giải phóng quân Chiến khu Vần khi mới 16 tuổi. 3 năm làm công tác xây dựng chính quyền tại các vùng hậu địch, vùng cao, vùng dân tộc ít người ở Trạm Tấu, Than Uyên, Tú Lệ, Cao Phạ, Văn Bàn... trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Hà Văn Bách đều can trường vượt qua.

Sau 5 năm tham gia quân ngũ, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ năm 1950, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn đánh thực dân Pháp như chiến dịch Biên giới, chiến dịch Lý Thường Kiệt, chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia cải cách ruộng đất... Chuyển ngành và kinh qua nhiều chức vụ công tác, năm 1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn thành lập, ông được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Hành chính tỉnh Hoàng Liên Sơn rồi nghỉ hưu. 7 năm là Phó bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm, Minh Tân; bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh phố Yên Phúc- phường Yên Thịnh, ông luôn giữ  trọn chữ tín với Đảng, với dân.

Các cụ hưu trí phường Yên Ninh (TP Yên Bái) thường nói về ông Nguyễn Văn Ngọ với một niềm kính trọng bởi ông rất tận tâm với việc theo dõi chế độ bảo hiểm xã hội cho trên 1.600 đối tượng tại phường, giúp Bảo hiểm xã hội thành phố chi trả đúng, đủ chế độ cho các đối tượng trên địa bàn. Ở vào tuổi 80 mái đầu đã bạc, sức vóc còn khoẻ nên ông vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội tại phố, phường...

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hạ Hoà - Phú Thọ, khi mới 15 Nguyễn Văn Ngọ đã được tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc và được bầu làm Phó bí thư Đoàn. Khi Trung ương Đảng quyết định lấy vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, làng Hiền Lương và làng Vần làm chiến khu cách mạng, Nguyễn Văn Ngọ đã cùng 2 thanh niên trong xã tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang cách mạng hoạt động tại Chiến khu Vần và làm liên lạc cho thượng cấp.

Ngày 2/7/1945, Đội du kích Âu Cơ tập trung tại gốc cây vải cổ thụ đình Chung, làng Vần củng cố lực lượng, đổi tên Đội du kích Âu Cơ thành Việt Nam giải phóng quân, ông được tham gia lễ tuyên thệ và sau đó cùng đội quân cách mạng xuất quân tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ - Văn Chấn. Liên tục từ năm 1946 đến năm 1953, ông tham gia cán bộ Huyện bộ Việt Minh Hạ Hoà - Phú Thọ, làm việc tại Văn phòng Quân khu 10, Tỉnh đội Yên Bái, rồi chuyển về Văn phòng Khu ủy Tây Bắc. Năm 1996 ông chuyển ngành công tác tại Ty Công nghiệp Nghĩa Lộ, đến năm 1976 sáp nhập 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, ông chuyển sang làm việc tại Sở Xây dựng được 10 năm rồi nghỉ hưu.

“Chúng tôi luôn tự hào là lớp thanh niên yêu nước đầu tiên của quê hương Yên Bái - Phú Thọ đáp lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh tình nguyện ra nhập lực lượng quân giải phóng Việt Nam ở chiến khu cách mạng Vần - Hiền Lương năm 1945; vinh dự được đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng, đóng góp sức trẻ giải phóng dân tộc và hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc, quê hương”.

Quỳnh Nga

Các tin khác

Ngày 18/8, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đã cho phép một số công ty dược nhập khẩu thuốc Tamiflu để dự phòng cho các cơ sở y tế và được phép bán theo đơn của bác sĩ với các thuốc đã có số đăng ký lưu hành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bảo vệ rừng, chống người thi hành công vụ và các biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng hiện nay.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, năm học 2009 - 2010, sẽ tập trung triển khai nội dung tiếng phổ thông và tăng cường tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) mầm non, tiểu học phù hợp từng địa phương.

Ngày 18/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1; trong đó, các ca nhiễm mới tập trung đông ở miền Nam với 49 ca; miền Bắc có 3 ca và miền Trung là 13 ca.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục