Năm nay mới 27 tuổi nhưng chị Nông Thị Biên - vợ anh Lý Văn Hị, dân tộc Dao ở thôn Khe Mạ, xã Tân Hương (Yên Bình) đã qua 4 lần sinh nở. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị cứ nhắc đi nhắc lại: "Số mình nó không may, đẻ mãi không được con trai nên phải cố, người ta đẻ được con trai thì chỉ hai đứa là được nghỉ rồi". Và cái số chị rồi cũng gặp may, đến đứa thứ 4 thì được thằng cu, chứ nếu vẫn thêm nàng công chúa, không biết chừng chị còn tiếp tục sinh đẻ dài dài.
Câu chuyện của chị Biên còn được mấy bà, mấy chị ủng hộ: "Chưa có con trai thì cứ phải đẻ thôi, có con trai chết mới có người chống gậy"... Với những cái lý ấy thì có thể hiểu chuyện sinh con thứ ba, thứ tư hay nhiều hơn nữa ở Tân Hương vẫn chưa thể chấm dứt.
Nằm dọc theo quốc lộ 70, xã Tân Hương có 1.586 hộ, 6.687 nhân khẩu với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó trên 50% dân số là người dân tộc Dao và Cao Lan. Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được Đảng uỷ, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo, cùng sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác dân số, ý thức của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ có những bước chuyển đáng kể.
Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên thường xuyên bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, kiềm chế tình trạng sinh con thứ ba trở lên trong vùng đồng bào dân tộc. Chị Kiều Thị Mộng Điệp - cán bộ chuyên trách công tác dân số của xã cho biết: "Đến nay, Tân Hương đã vận động 1.059 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; trong đó có 275 chị đặt vòng, 330 người đình sản, 250 người uống thuốc tránh thai, 67 người tiêm thuốc tránh thai, 60 cặp vợ chồng sử dụng bao cao su...
Hàng tháng, Ban Dân số xã giao ban với các cộng tác viên cơ sở kịp thời nắm bắt tình hình. Khi phát hiện trường hợp mang thai con thứ ba hoặc có ý định sinh con thứ ba, cán bộ chuyên trách xã cùng cộng tác viên địa bàn sẽ trực tiếp tới gặp đối tượng để vận động thuyết phục. Phần lớn tình trạng sinh con thứ ba đều rơi vào các gia đình sinh con một bề, cũng có trường hợp dù đã có nếp, có tẻ song gia đình nhà chồng muốn đông con nhiều cháu bắt sinh thêm... Chị Điệp tâm sự: "Cũng có nhiều trường hợp các chị vận động thuyết phục thành công, song cũng không ít lần thất bại".
Với những cố gắng của đội ngũ làm công tác dân số của xã, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Tân Hương đã giảm dần qua từng năm. Năm 2005, cả xã có 15 trường hợp sinh con thứ ba, năm 2006 là 14 trường hợp, năm 2007 có 9, năm 2008 có 7 và 9 tháng đầu năm 2009 số trường hợp sinh con thứ ba là 4.
Xã đã có nhiều cặp vợ chồng mặc dù sinh hai con gái song vẫn thực hiện biện pháp KHHGĐ tốt để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như: vợ chồng anh Phạm Việt Cường, chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Tân Hà; gia đình anh Lương Đình Thi, chị Nông Thị Loan; gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc, chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Loan Thượng... Song đó vẫn chủ yếu là ở đồng bào dân tộc Kinh. Còn trong đồng bào người dân tộc ít người, đặc biệt là 5 thôn vùng ba là đồng bào dân tộc Dao thì tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn chiếm số đông.
Trong 4 trường hợp sinh con thứ ba của năm 2009, có 3 trường hợp là người dân tộc Dao. Được biết các trường hợp này đều đã được cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên địa bàn nắm bắt kịp thời, xuống vận động, thuyết phục nhưng không thành công.
Trở lại với trường hợp chị Nông Thị Biên, chị kể: Nhà không có ruộng, do gia đình nhà chồng đông anh em. Hàng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê kiếm tiền đảm bảo cuộc sống cho 6 miệng ăn. Khi được hỏi ai đã "bắt" chị phải đẻ bằng được con trai, chị nói: "Chẳng ai bắt cả, vì mình cũng muốn có con trai nên mình phải đẻ thôi". Và cái lý phải có con trai lúc chết còn có người chống gậy, nối dõi tông đường... vẫn còn là quan niệm rất nặng nề mà hầu hết các gia đình người Dao ở đây chưa thể xoá bỏ, nhất là gia đình sinh con một bề là gái thì dù họ có thực hiện biện pháp tránh thai cũng chưa thể chắc chắn họ không sinh thêm con. Đáng lưu ý là thời gian này ở Tân Hương lại xuất hiện tin đồn sinh con gái thì được Nhà nước thưởng tiền, không ít người bán tín bán nghi khích nhau đẻ để được tiền thưởng... Và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số lại phải vào cuộc để tuyên truyền về những tin thất thiệt này.
Mặc dù không quá nóng bỏng song tình trạng sinh con thứ ba trở lên ở Tân Hương vẫn còn tiềm ẩn khi quan niệm, hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc chưa được xoá bỏ. Để hạn chế thấp nhất tình trạng sinh con thứ ba trở lên, Tân Hương đã chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người gương mẫu, có uy tín trong thôn, bản để việc tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt đội ngũ cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên để công tác DS-KHHGĐ của xã được ổn định.
Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu