Trong một buổi giao ban dân số xã vào tháng 7/ 2003, sau khi nghe đánh giá các hoạt động của cộng tác viên trong tháng, tôi hỏi các cộng tác viên thôn, bản có gặp những khó khăn gì trong công tác tuyên truyền vận động đối tượng thực hiện dân số/ kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) không, chị Thanh – cộng tác viên dân số thôn Đồng Cáy,xã Yên Thắng, Lục Yên bức xúc: “Thôn tôi có một chị không chịu dùng các biện pháp tránh thai gì cả mà cứ đi phá thai suốt”. Tôi bảo chị Thanh: “Chị về hẹn với đối tượng, ngày mai tôi với chị sẽ đến thăm nhà chị ấy”.
Theo như đã hẹn, tôi cùng chị Thanh đến thăm nhà đối tượng. Ra đón chúng tôi là một người phụ nữ gầy gò, xanh xao khoảng chừng 45 tuổi. Chị rót nước mời chúng tôi. Qua một hồi thăm hỏi về kinh tế, thu nhập, chồng con, gia đình, chúng tôi được biết, chị là Hoàng Thị Liên- sinh năm 1965 (năm đó chị mới 38 tuổi), có 3 con, 1 trai, hai gái. Cháu lớn sinh năm 1986, cháu nhỏ nhất sinh năm 1991. Tôi hỏi:
- Chị còn ý định sinh thêm con nữa không? Sao chị lại không đi thực hiện KHHGĐ mà cứ đi phá thai nhiều lần như thế cho khổ?
- Em không muốn đẻ nữa đâu, nhưng không biết làm thế nào để tránh thai được - chị Liên bộc bạch.
- Ồ! Hàng tháng, cộng tác viên và chúng tôi luôn chủ động giới thiệu cho các chị 4 biện pháp tránh thai hiện đại rồi mà sao chị không chọn lấy một biện pháp để sử dụng?
- Em đặt vòng không hợp, toàn bị rơi thôi. Còn uống thuốc, em bị bệnh đau đầu, các chị bảo không uống được. Em bảo chồng dùng bao cao su nhưng anh ấy không đồng ý và bảo: “Để tự nhiên mới hay”. Em muốn đi triệt sản thì mọi người bảo đi triệt sản là đi “thiến” về sẽ bị mất trí nhớ không thích gần chồng nữa nên em sợ. Thế là, cứ mỗi tháng em lại phải đi giải quyết hậu quả!
Thảo nào nhìn chị Liên mới tiền tụy và già trước tuổi đến thế! Tôi rủ rỉ trấn an chị: “Đặt vòng, uống thuốc, dùng bao cao su em đều không dùng được, vậy thì em nên đi triệt sản đi. Triệt sản không phải là thiến đâu mà chỉ thắt ống dẫn trứng để không cho tinh trùng vào và em sẽ không có thai nữa”. Đồng thời, tôi nói hết những ưu điểm của biện pháp triệt sản nữ cho chị Liên biết như: không đau đớn nhiều, không ảnh hưởng sức khỏe cũng như “khoản kia”… Chị Liên có vẻ xuôi theo. Được vài hôm sau, chị Liên tìm gặp tôi chia sẻ: “Em muốn đi triệt sản để khỏi phải phá thai khổ lắm! Nhưng mà chồng em chưa đồng ý!”. Tôi lại hẹn gặp 2 vợ chồng chị một lần nữa và lần này qua nghe tôi phân tích anh chồng đã đồng ý: “Chị đăng ký cho vợ em đi triệt sản đợt này nhé”. Đến ngày hẹn, tôi và chị Thanh đưa vợ chồng chị Liên đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Yên để làm thủ tục mổ triệt sản cho chị. Khi nghe thấy tiếng dụng cụ loảng xoảng trong phòng mổ, chị Liên tỏ ra lo lắng muốn thoái lui. Tôi an ủi động viên khích lệ. Thế rồi, cũng đến lượt chị được mổ. Khi mổ triệt sản cho chị Liên, bác sỹ phát hiện chị có u nang buồng trứng. Bác sỹ gọi chồng chị đến trao đổi, thế rồi anh chồng đã nhờ bác sỹ cắt luôn cái u nang cho vợ.
Sau một tuần điều trị, chị Liên ra viện về điều trị tại gia đình. Tôi chủ động báo cáo đồng chí trưởng ban dân số và bố trí đến thăm, động viên chị tại nhà. Một năm trôi qua, chị Liên ngày một khỏe ra, con cái đã khôn lớn và đều được học tập đến nơi đến chốn và chị Liên đã không bị mất trí nhớ và ảnh hưởng “Chuyện ấy”. Chị Liên tìm đến tâm sự với tôi: “Biết thế này, em đã đi triệt sản từ lâu rồi! Cảm ơn chị nhiều lắm! Không có chị chắc giờ này không biết em ra sao!”.
Trần Ngọc - (Ghi theo lời kể của chị Mông Thị Long Biên - cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ xã Yên Thắng, huyện Lục Yên)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu