Mái nhà thứ hai của trẻ khuyết tật Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2011 | 9:18:23 AM
YBĐT - Hiện nay, vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật đang là mối quan tâm của toàn xã hội nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn song công tác này ngày càng được chú trọng.
Học trò ở trung tâm.
|
Từ nhóm, lớp, trường chuyên biệt đến mô hình hội nhập và hiện nay là giai đoạn phát triển của giáo dục hòa nhập đang ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Có thể nói, giáo dục hòa nhập là hình thức giáo dục có chất lượng, phù hợp và có hiệu quả cho mọi trẻ em trong đó có trẻ em khuyết tật.
Để đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ khuyết tật trên toàn tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái được thành lập tháng 8/1/2009 (trước đây là Trung tâm Nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.) Hiện nay, Trung tâm có 24 cán bộ giáo viên, nhân viên và 60 học sinh trong đó có 41 học sinh khuyết tật, còn lại học sinh dân tộc vùng sâu, vùng cao, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ các vùng, miền, huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. So với các loại hình giáo dục khác, giáo viên và học sinh trong Trung tâm có đặc thù riêng.
Vào những ngày đầu năm học, học sinh mới nhập trường với đủ các loại tật: chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị, khó khăn về học tập… tất cả đều nhem nhuốc, lạ lẫm, ngơ ngác, khi rời bố mẹ hoặc người đỡ đầu là khóc lóc đòi về và nhiều em chỉ tìm cơ hội để trốn.
Trước hoàn cảnh ấy, Ban giám đốc cùng toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên phải vào cuộc: dỗ dành, động viên tận tình chăm sóc và coi học sinh như những đứa con, người em của mình, lo từng bữa cơm, manh áo, giấc ngủ cho các em. Học sinh đến Trung tâm có lúc ốm đau liên miên, nhiều em ốm nặng phải nằm viện, Ban Giám đốc và các giáo viên phải thay phiên nhau, trông nom. Vào mùa hè học sinh giúp nhau tự tắm rửa, còn giặt giũ thì nhiều khi giáo viên vẫn phải giúp. Đến mùa đông do Trung tâm chưa có điều kiện lắp bình nóng lạnh nên giáo viên lại phải giúp các em nhóm bếp, đun nước.
Ở Trung tâm mỗi học sinh một tính, có em không bao giờ ăn cá, ăn trứng, ăn mỡ… nhà bếp lại có chế độ ăn chung và ăn riêng. Cẩn thận, cần mẫn ngày qua ngày chế độ ăn uống của học sinh được đáp ứng đầy đủ về lượng và chất cho học sinh. Có học sinh khuyết tật không thể tự lên, xuống cầu thang, các thầy cô giáo trong Trung tâm lại từng giờ, từng ngày giúp học sinh đi lại. Có học sinh chậm phát triển trí tuệ khi mới đến Trung tâm lầm lì, không biết chữ, ngại va chạm, tiếp xúc. Có học sinh khuyết tật thính giác suốt ngày khóc vì không hiểu bạn bè, thầy cô giáo nói gì, có học sinh đa tật hay cáu có khi hất đổ cả mâm cơm…, các thầy cô lại phải tỉ tê từng li, từng tí dỗ dành, phân tích, giảng giải và thay phiên nhau trực để quản lý học sinh cẩn thận, chu đáo.
Trước tình cảm yêu thương, đùm bọc, chân thành và sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo của cán bộ giáo viên và các bạn học sinh trong Trung tâm, cuộc sống của các em học sinh khuyết tật đã dần dần đi vào ổn định. Như em Hoàng Đình Tứ, học sinh lớp 8 quê ở Lục Yên là một học sinh đa tật: khoèo tay, khoèo chân, vẹo cột sống và cổ, phát âm khó khăn, khả năng tự phục vụ kém lại rất kén ăn nên nhiều khi nhà bếp phải có chế độ ăn riêng, các cô phải giặt cho cả quần áo.
Từ một học sinh chán học, có tư tưởng bỏ học, nhờ thầy cô khuyên bảo và bạn bè giúp đỡ, hai năm học vừa qua em Tứ đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và em cũng rất thích làm thơ. Hoặc em Hà Thanh Tuấn, học sinh lớp 7 quê ở Trấn Yên là học sinh câm điếc, không muốn học, hay khóc đòi về nhưng cuối năm đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và giải nhì cuộc thi “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” do Trung tâm tổ chức…
Cứ thế, ngày qua ngày, học sinh trong Trung tâm lớn dần lên, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, tiến bộ hơn và dần dần đã hòa nhập với môi trường sống, hòa nhập môi trường học tập và lao động. Thấp thoáng dưới bóng cây, trên ghế đá, cạnh vườn hoa là những khuôn mặt với những nụ cười rạng rỡ và những nụ cười ấy là nguồn động viên, là sức mạnh để cán bộ và giáo viên Trung tâm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục 100% học sinh khuyết tật trên địa bàn, Trung tâm còn có nhiệm vụ quan trọng là: tư vấn, hỗ trợ về giáo dục hòa nhập cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2010, Trung tâm đã mở 2 lớp tập huấn cho cán bộ về giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thị cho 9 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh, bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Dù cuộc sống của thầy và trò trong Trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bằng tình yêu và niềm tin vào cuộc sống, bằng sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, nhà trường, xã hội các thầy cô giáo của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh sẽ giúp các em vượt qua khó khăn thể chất, tinh thần để rèn luyện và phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội.
Trần Thị Huyền Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã xét duyệt, thẩm định báo cáo với Ban chỉ đạo 183 của Quân khu 2 được 8 đợt, với tổng số 10.443 hồ sơ và đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho 8.709 trường hợp
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong 2 năm (2009 - 2010) huyện Mù Cang Chải đã được Nhà nước đầu tư kinh phí 47 tỷ đồng, đến ngày 30/10/2010 đã thực hiện giải ngân trên 36 tỷ, đạt 76% kế hoạch.
Ngày 16-2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ GD-ĐT về kết quả học kỳ 1 năm học 2010-2011 và kế hoạch công tác năm 2011.