Xã hội hóa giáo dục ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2011 | 2:57:03 PM
YBĐT - Chúng tôi đến Trường Mầm non Hoa Lan, Bản Hát, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) vào một ngày đầu tháng 8, đúng lúc nhà trường tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Những năm qua, huyện Trạm Tấu đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn.
Ảnh: Thi công xây dựng điểm trường và nhà công vụ cho giáo viên ở xã Xà Hồ. (Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Khác xa với ngôi trường mà chúng tôi từng gặp cách đây 2 năm, giờ đây, trên khuôn viên rộng 2.454m2, Trường Mầm non Hoa Lan có một cơ sở vật chất kiên cố, khang trang với 3 dãy nhà gồm 18 phòng học và phòng chức năng. Mỗi dãy nhà có một sân chơi riêng, có vườn hoa, cây cảnh và vườn rau xanh phục vụ bữa ăn cho các cháu.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi kể: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Trường đã được đầu tư 2 dãy nhà. Một dãy nhà thuộc dự án kiên cố hóa trường lớp học trị giá 2,1 tỷ đồng và 1 dãy nhà thuộc dự án WB trị giá hơn 472 triệu đồng. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhà trường đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của phụ huynh học sinh và của Đảng ủy, chính quyền địa phương”.
Được biết, năm học 2009 - 2010, năm học 2010 - 2011, Trường Mầm non Hoa Lan đã nhận được gần 1.000 ngày công lao động của phụ huynh học sinh đến vận chuyển xi măng, cát, gạch, đá hộc để xây trường. Thế mới biết công tác xã hội hóa giáo dục có sức mạnh rất lớn trong sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục vùng cao. Không chỉ riêng Trường Mầm non Hoa Lan mà hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã hát Lừu đều nhận được sự quan tâm chu đáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.
Ông Lò Văn Chiến - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng giáo dục xã Hát Lừu cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học mới, Hội đồng giáo dục của xã lại mở hội nghị để nghe các nhà trường báo cáo kết quả năm học cũ và cùng bàn bạc, tháo gỡ khó khăn cho năm học mới.
Riêng năm 2011, UBND xã đã ban hành Quyết định số 06 về việc thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, Quyết định số 07 về việc kiện toàn Hội đồng giáo dục, Quyết định số 08 về việc ban hành quy chế phối hợp giữa UBND xã, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh các nhà trường trên địa bàn. Để khuyến khích, động viên các cháu học sinh của xã có thành tích cao trong học tập, xã còn xây dựng được quỹ khuyến học với số tiền lên tới hơn 16 triệu đồng”.
Từ sự quan tâm chu đáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh, lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo, đến nay, xã Hát Lừu đã có 2/6 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia và Trường Mầm non Hoa Lan đã đảm bảo các tiêu chí để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I. Cùng với Hát Lừu, xã Trạm Tấu và Xà Hồ cũng luôn là điểm sáng của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu với tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt từ 85% trở lên, tỷ lệ chuyển cấp đạt 97% và chuyển lớp đạt 96%.
Ông Giàng A Hành - Bí thư Đảng bộ xã Trạm Tấu cho biết: “Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, Đảng bộ đã chỉ đạo các chi bộ cơ sở phải quán triệt đến từng đảng viên trong chi bộ nghiêm túc tạo điều kiện cho con em đến lớp đồng thời giao cho mỗi đảng viên chịu trách nhiệm vận động một nhóm hộ gia đình cho con em đến lớp. Đảng viên nào để con em trong độ tuổi đến trường mà không đi học phải chịu trách nhiệm trước chi, Đảng bộ. Nhờ những giải pháp này mà đến nay, tình trạng học sinh trong độ tuổi đến trường bỏ học ở xã Trạm Tấu đã không còn, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao”.
Cô và trò Trường Tiểu học xã Bản Công (Trạm Tấu). (Ảnh: M.Q)
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi trăm năm trồng người", những năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu luôn chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 08 ngày 11/9/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2007 - 2010. Sau 4 năm thực hiện, sự nghiệp giáo dục của huyện đã không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tăng từ 640 lên 756 đồng chí với 100% giáo viên bậc học mầm non, 100% cán bộ giáo viên bậc tiểu học, 98% cán bộ giáo viên bậc THCS đạt từ chuẩn trở lên. 4 năm qua, huyện đã ưu tiên các dự án, các chương trình đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất tại các trường học, cụ thể đã kiên cố hóa 18 phòng học mầm non, 14 phòng phổ thông, 56 phòng công vụ với tổng trị giá hơn 25 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã có 4 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia và nhiều trường đang trên lộ trình xây dựng trường chuẩn.
Đồng chí Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: “Được sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nghiệp giáo dục của Trạm Tấu đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, chuyển biến rõ nét nhất là trong công tác xã hội hóa giáo dục, nhiều gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với con em mình. Do đó, tình trạng phải đi gọi học sinh ra lớp đầu năm học và số lượng học sinh bỏ học đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Nhiều phụ huynh học sinh dân tộc thiểu số đã tự giác đưa con đến lớp”.
Năm học mới 2011 - 2012 đã bắt đầu, hiện nay, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đang tích cực chuẩn bị mọi hoạt động để ngày khai trường thực sự là ngày hội. Ngay từ đầu năm 2011, Huyện ủy Trạm Tấu đã ra Chỉ thị số 08 về đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện, UBND huyện có các công văn, chỉ thị về đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục.
Đặc biệt, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XIV, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động về công tác giáo dục trên địa bàn. Đây thực sự là cơ sở vững chắc để ngành giáo dục Trạm Tấu khởi sắc và vươn lên.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, những năm qua, tình hình an ninh trật tự ở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên luôn ổn định. Xã giữ vững danh hiệu “3 không”: không ma túy, không mại dâm và không xảy ra trọng án.
YBĐT - Mô hình “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên” tại phường Nguyễn Phúc đã mang lại nhiều kinh nghiệm trong biện pháp, cách làm phù hợp với thực tế, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết giáo dục thế hệ trẻ.
YBĐT - Chiến dịch thanh niên tình nguyện (TNTN) hè năm 2011 được Ban thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai từ rất sớm, đồng bộ trên các lĩnh vực và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội.
YBĐT - Xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên 100% dân số là đồng bào Mông, việc sử dụng vũ khí tự chế (súng kíp, súng săn, cạm bẫy) để săn bắt thú rừng gần như đã trở thành thói quen của người dân.