Nhiều chương trình, dự án được triển khai đồng bộ đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần có bước đi thích hợp, sự vào cuộc của toàn xã hội để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo trong thời gian tới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, năm 2011, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chính sách được triển khai tích cực như: đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 134, 135, các chính sách hỗ trợ về y tế, cung cấp tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề, hướng dẫn người dân cách làm ăn...
Đặc biệt là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số dư nợ trên 1 nghìn tỷ đồng.
Công tác khuyến nông, khuyến lâm cho người nghèo cũng được tích cực triển khai bằng việc tổ chức 42 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, may công nghiệp, thêu dệt thổ cẩm cho trên một ngàn lượt người nghèo tham gia. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, giúp các hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, trên 6 nghìn người nghèo được tham gia các lớp học nghề nâng cao kỹ năng, trình độ trong việc thực hiện tổ chức sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Thực hiện mô hình giảm nghèo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng một số mô hình giảm nghèo bền vững tại 4 huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên cho 252 hộ nghèo với kinh phí thực hiện 1 tỷ đồng (vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp qua huyện 500 triệu đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cấp cho tỉnh 500 triệu đồng).
Thời gian qua, công tác giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các chương trình của dự án được tổ chức thực hiện đã đến được các đối tượng thụ hưởng, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, ước tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái giảm khoảng 2,5%. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tình trạng tái nghèo còn cao. Ước tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 21,73% hộ nghèo. Ở vùng thấp, những hộ nghèo chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu hoặc không có đất canh tác (diện tích trồng lúa nước ít, bình quân 400 - 500m2/người), sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng, hộ gia đình thiếu tư liệu sản xuất, tạo việc làm tại chỗ còn hạn chế, giá cả thị trường tăng cao, xuất đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Còn ở vùng cao, vùng sâu, do trình độ dân trí còn hạn chế nên việc tiếp nhận các chương trình, dự án chưa cao, tiếp thu khoa học kỹ thuật hạn chế nên sản phẩm nông nghiệp làm ra không có tính cạnh tranh, cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế trong điều hành, quản lý...
Không chỉ vậy, lao động ở nông thôn không có việc làm ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, phát triển ngành nghề ở địa phương chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng lao động không có việc làm, thiếu việc làm, chưa chịu khó lao động, thiếu ý thức vươn lên còn khá phổ biến. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn tồn tại trong một bộ phận người dân nên không có động lực tự vươn lên thoát nghèo.
Mặt khác, các giải pháp gắn kết việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội và phát triển nông thôn mới chưa thật đồng bộ, việc phối hợp thực hiện giữa các ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của công tác giảm nghèo và cũng là những băn khoăn của ngành lao động, thương binh và xã hội, các cấp chính quyền trong việc triển khai thực hiện giảm nghèo những năm tới.
Thời gian tới, tỉnh phấn đấu giảm tối đa tỷ lệ hộ nghèo theo hướng thực chất, bền vững, tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 23,2%, huy động nguồn lực giảm nghèo đạt 1.800 tỷ đồng... Những mục tiêu đề ra cùng với những khó khăn đang tồn tại cần được khắc phục sẽ là những thách thức cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững.



Trần Minh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu