Đồng chí Nguyễn Xuân Phương - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Mắt - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: "Đau mắt đỏ là một tình trạng viêm kết mạc, họng, hạch, với biểu hiện mắt đỏ, sưng đau; qua khám lâm sàng nhận thấy kết mạc phù nề, xung huyết có nhiều dử mắt; thị lực có thể giảm hoặc không..."
Được biết, tại Trung tâm ngày nào cũng khám và điều trị cho trên 40 người có liên quan đến bệnh mắt, tuy nhiên chưa phát hiện trường hợp đau mắt đỏ. Các trung tâm y tế tuyến huyện việc công bố dịch đau mắt đỏ chưa có. Qua đó, số người mắc tại Yên Bái vẫn chỉ là rải rác, chưa thành dịch.
Tuy nhiên, không vì thể mà chúng ta lơ là công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các bước phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ do virut Adenovirus gây nên, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu là vào đầu mùa hè do thời tiết giao mùa, khí hậu ẩm thấp, nắng nóng, oi bức, mưa nhiều tạo điều kiện cho loại virut này sinh sôi, phát triển.
Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng lao động và quá trình sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Người bị đau mắt đỏ có thể tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, tuy nhiên nhiều trường hợp đã có những diễn biến phức tạp do không điều trị kịp thời gây nên loét giác mạc, viêm giác mạc (con số này rất ít).
Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh dễ bùng phát thành dịch do lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước… Bệnh dễ lây ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa rõ ràng tức là còn trong thời gian ủ bệnh. Thậm chí, ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu vì bệnh do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không...
Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng chỉ định. Người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Việc này tuy không thể loại trừ hết nguy cơ lây bệnh nhưng giúp giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.
Ngoài ra, để điều trị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh phải có chế độ nghỉ ngơi tại nhà, không lao động, tránh tiếp xúc với gió, bụi; điều trị bằng cách tra, nhỏ thuốc Natri Cloris 0,9% (nước muối sinh lý để nhỏ rửa mắt sạch hàng ngày trên 10 lần/ngày) và nhỏ dung dịch kháng sinh Cloroxit 0,4% hay còn gọi clogram fenicol.
Không tự ý tra thuốc bừa bãi. Cẩn thận khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Không nên dùng biện pháp xông lá vào mắt...
Người chưa bị mắc bệnh đau mắt đỏ vẫn có thể tự phòng bệnh cho mình bằng cách giữ gìn vệ sinh tốt, đặc biệt là rửa mắt sạch bằng khăn sạch, nước sạch hàng ngày, tối thiểu từ 3 đến 4 lần/ ngày; thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng và phơi khô ra trời nắng; rửa tay thường xuyên với xà phòng, không dụi tay lên mắt, không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…
Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.
Trần Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu