Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 8 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa hơn 500 nhà ở cho đối tượng người có công. Năm 2011, từ nguồn quỹ này, trên địa bàn tỉnh đã sửa chữa 25 nhà với số tiền hỗ trợ 169,5 triệu đồng; làm mới 61 nhà với số tiền hỗ trợ 892 triệu đồng.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH khảo sát về thực trạng nhà ở, đời sống của người có công trên địa bàn. Theo kết quả khảo sát, có 900 nhà đã xuống cấp nặng và không thể sửa chữa. Trên cơ sở đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh và đã được thông qua Đề án “Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2015”.
Đề án này chia làm hai thời kỳ: giai đoạn 2012 - 2013 làm mới, sửa chữa nhà ở cho đối tượng là bệnh binh, thương binh, gia đình liệt sỹ, người nhiễm chất độc da cam; giai đoạn 2014 - 2015 làm mới, sửa chữa nhà ở cho người tham gia kháng chiến hưởng huân chương, huy chương một lần. Năm 2012, Đề án đã được đồng loạt triển khai ở tất cả 9/9 huyện, thị, thành phố theo đúng tiến độ. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh dự kiến phấn đấu hoàn thành 238 nhà, hoàn thành trước 27/7/2012 là 120 nhà.
Về những bài học kinh nghiệm trong việc huy động các nguồn lực cho quá trình triển khai hỗ trợ xây dựng làm mới, sửa chữa nhà ở cho người có công trong thời gian qua, đồng chí Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Trước hết, phương án làm nhà phải phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Hiện có 3 phương án: nhà xây vĩnh cửu, nhà xây bán kiên cố và nhà gỗ truyền thống ở vùng cao. Thứ hai, chúng ta đã huy động được nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay là 51 tỷ đồng. Đây là nguồn ngân sách ngoài của hoạt động đền ơn đáp nghĩa chưa từng có từ trước đến nay, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể.
Đặc biệt là sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan tuyên truyền đã giúp làm rõ chủ trương cũng như vận động xã hội hóa. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH đã tranh thủ sự ủng hộ tích cực của Bộ LĐ-TB&XH, được Bộ đánh giá cao Đề án này bởi cách làm bài bản, khoa học về vấn đề nhà ở cho người có công đối với một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái - ông Vượng cho biết thêm.
Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo với Chính phủ và được xem xét hỗ trợ thêm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho tỉnh. Hơn thế, ngành LĐ-TB&XH tỉnh chú trọng quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động và huy động được các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay thực hiện Đề án.
Để bảo đảm công bằng, điều quan trọng hơn cả là việc khảo sát, điều tra được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch từ khâu xét, lập danh sách gia đình được hỗ trợ; rà soát, khảo sát đúng đối tượng và theo tiêu chí đã được quy định để đưa vào nhóm ưu tiên làm trước cũng như vận động sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng dân cư.
Việc hỗ trợ xây dựng, làm mới và sửa chữa nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh Yên Bái mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tính cộng đồng cao và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Bởi vậy, mỗi người cũng như cả cộng đồng đều có trách nhiệm, nghĩa vụ chung tay góp sức để thực hiện thành công Đề án.
Minh Tuấn