Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 112,3 bé trai/100 bé gái năm 2012. Đánh giá nguyên nhân của mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do tâm lý thích con trai và đánh giá thấp vị trí, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Hay nói cách khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay chính là hệ quả của bất bình đẳng giới.
Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính đang ngày càng gia tăng. Một trong những giải pháp then chốt là phải giải quyết được vấn đề phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái hay nói cách khác là tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vốn đã ăn sâu bám rễ và đó cũng là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, kéo theo không ít những hệ lụy lâu dài đối với xã hội như: phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng bạo lực giới, mại dâm, buôn bán phụ nữ…
Yên Bái là một trong những tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh cao của cả nước. Theo Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh, tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh của tỉnh trong những năm gần đây diễn biến đáng lo ngại. Năm 2010: 111,7 bé trai/100 bé gái, năm 2011: 110,3 bé trai/100 bé gái, năm 2012: 111 bé trai/100 bé gái. Trong đó, một số địa phương có sự chênh lệch tỷ suất giới tính khi sinh khá cao là: thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên…
Theo quy định của ngành y tế, hiện nay, việc công bố giới tính thai nhi là điều nghiêm cấm song không chỉ ở các cơ sở y tế tư nhân mà ngay cả trong một số cơ sở y tế công việc làm này vẫn phổ biến. Tư tưởng "trọng nam kinh nữ", "đẻ cho có nếp có tẻ", "đẻ con trai để nối dõi tông đường" vẫn tồn tại trong khá nhiều các gia đình ở cả thành thị và nông thôn.
Chị Hoàng Thị L. - huyện Trấn Yên mang thai lần thứ 4, chia sẻ: "Với tôi, con nào cũng là con, không phân biệt gái trai. Nhưng với chồng và gia đình chồng muốn phải có con trai để "nối dõi tông đường". Tôi tỏ ý không muốn đẻ nữa thì chồng tôi dọa sẽ lấy vợ hai". Cũng giống như chị L., chị Đặng Thị D. ở huyện Văn Yên đã sinh đến lần 4 nhưng vẫn có nguy cơ phải sinh thêm. Chị cho hay: "Chồng tôi bảo không sinh con trai anh ấy xấu hổ với họ hàng. Mà đi siêu âm lần này lại biết được là gái, chắc tôi khó tránh khỏi phải sinh tiếp". Còn chị Lê Thị Nh. ở thành phố Yên Bái đã có một bé gái nên lần mang thai thứ 2 chị đã đi bắt mạch, siêu âm xác định trước giới tính thai nhi để quyết định sinh hay bỏ. Chị chia sẻ: "Mình cán bộ công chức chỉ được phép sinh 2 con. Mà chồng mình là con trai độc nhất. Áp lực lắm!".
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh phải thay đổi từ tư tưởng, nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cộng đồng là việc làm căn bản nhằm giảm thiểu tình trạng sinh nhiều, lựa chọn giới tính thai nhi... Công tác này cần được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh miền núi có trên 30 dân tộc, tập quán sinh hoạt và hệ tư tưởng mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nặng nề và ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân.
T.B
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu