Vụ Vạn Thịnh Phát: Hai cựu cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước đổ lỗi cho nhau

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/3/2024 | 2:47:07 PM

Tại phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, hai cựu cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước là Nguyễn Văn Hưng và Đỗ Thị Nhàn đã có lời khai bất nhất.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Ngày 14/3, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP.HCM) tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bị cáo Trương Mỹ Lan cầm đầu.

Trước khi bắt đầu làm việc, Hội đồng xét xử (HĐXX) thông báo, đã nhận được đơn của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung. Theo các luật sư, bị cáo Dung trình bày về việc bị xét hỏi nhiều, cách đặt câu hỏi của một số luật sư làm bị cáo suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe. 

HĐXX cho rằng điều này tòa đã giải thích, theo luật, trong trường hợp bị cáo thấy câu hỏi nào không thể trả lời thì không cần trả lời.

Trong sáng nay, các luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước) từ chối nhiều câu hỏi của các luật sư.

Bị cáo Hưng phủ nhận nội dung cáo buộc mình chỉ đạo chỉnh sửa số liệu kết luận thanh tra để dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại Ngân hàng SCB, không đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt.

"Bị cáo chỉ ký quyết định thanh tra. Bị cáo không chủ động, không chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra sửa số liệu”, ông Hưng trình bày.

Khi được các luật sư đặt câu hỏi về việc báo cáo của đoàn thanh tra có trung thực hay không thì ông Hưng từ chối trả lời và nói: "Đề nghị luật sư xem lại trong cáo trạng và kết luận điều tra”.

Trước câu trả lời của bị cáo Hưng về việc không nhớ đã nhận bao nhiêu tiền từ SCB, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước), đặt câu hỏi: "Có phải nhận nhiều quá nên anh không biết bao nhiêu không?”. Tuy nhiên, ông Hưng từ chối trả lời. 

Lúc này, chủ tọa lưu ý các luật sư trong quá trình bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo thì không đặt câu hỏi để làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Trong khi bị cáo Nguyễn Văn Hưng phủ nhận việc chỉ đạo thuộc cấp chỉnh sửa kết luận thanh tra để báo cáo Ngân hàng Nhà nước thì bị cáo Đỗ Thị Nhàn khẳng định: "Bị cáo có nhận chỉ đạo của anh Hưng mới sửa”.

Theo bị cáo Nhàn, nếu ông Hưng tiếp tục chối thì bà sẽ đưa ra chứng cứ chứng minh việc mình nhận chỉ đạo từ ông Hưng.

Về việc nhận 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành, bị cáo Nhàn nói cảm thấy xấu hổ vì một phút nông nổi dẫn đến hậu quả không thể chấp nhận. Từ khi bị bắt, bị cáo chưa được gặp gia đình nên không biết gia đình đã nộp khắc phục hậu quả thế nào cho cơ quan điều tra. 

Theo cáo buộc, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017 - 2018, bà Nhàn và các thành viên tổ tổng hợp, thành viên tại các tổ thanh tra là những người biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu.

Các bị cáo biết rõ sai phạm, vi phạm tại những khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB thông qua kết quả thanh tra. 

Tuy nhiên, vì động cơ cá nhân, nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, ông Hưng đã chỉ đạo bà Nhàn và các thành viên trong đoàn cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc này đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Giao dịch ở các ngân hàng. Ảnh minh họa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Ông Đặng Việt Hà tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp).

Ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý và phải có trách nhiệm đối với số tiền nhận hối lộ 40 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Thái.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Quyết định truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị đề nghị truy tố thêm tội danh. Theo CQĐT, cùng với lời khai của những người liên quan, trong đó có lời khai của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và tài liệu khác, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Nhàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục