Khi các ngân hàng và tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn cho vay, thủ tục cho vay cần có tài sản thế chấp hoặc đảm bảo nên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng vốn phải tìm đến các nguồn vốn khác. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng không có chức năng làm tín dụng đã huy động tiền để cho vay với lãi suất cao và đặc biệt là thủ tục vay vốn nhanh chóng qua hình thức cầm đồ, thế chấp hoặc thậm chí không cần tài sản thế chấp, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân. Người có nhu cầu sẽ nhanh chóng nhận được khoản tiền vay hoặc thông qua mạng xã hội để dẫn dụ người dân vay tiền qua app (ứng dụng) với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp.
Tuy nhiên, việc vay qua "tín dụng đen” tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Khi đến hạn trả nợ, người vay không trả được thì các đối tượng gây sức ép bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội của người vay, thậm chí là thông tin, tài khoản của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc đến nơi ở, nơi làm việc của người vay để đòi hoặc siết nợ, ném chất bẩn, đe dọa, khủng bố tinh thần buộc người vay phải trả tiền.
Từ hoạt động "tín dụng đen”, các đối tượng dễ có hành vi vi phạm pháp luật khác như: bắt giữ người trái pháp luật; gây rối trật tự công cộng; chiếm giữ - cưỡng đoạt - hủy hoại tài sản; cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người… gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Thượng tá Quách Minh Điệp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho tbiết: "Tại địa bàn tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2023, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen diễn biến không phức tạp như những địa phương khác. Năm qua, Công an tỉnh bắt giữ, khởi tố 12 vụ/22 bị can phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Quá trình đấu tranh chưa phát hiện vụ việc nào giết người, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng liên quan đến tín dụng đen. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình, đấu tranh triệt phá và dự báo, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen” vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Giống như nhiều địa phương khác, nguyên nhân làm gia tăng tội phạm "tín dụng đen” trên địa bàn Yên Bái được xác định gồm: tình hình kinh tế khó khăn, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn thua lỗ, phá sản, người dân mất việc làm.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng... siết chặt quy định về cho vay, thế chấp nên người có nhu cầu vay đã không tiếp cận được nguồn tiền, chưa kể đến là các thủ tục cho vay thường rất nhiều công đoạn, tốn thời gian, lâu giải ngân... nên người vay đã tìm đến các tổ chức, cá nhân hoạt động "tín dụng đen" với thủ tục nhanh, gọn, không cần thế chấp, giải ngân sớm. Rất nhiều người vay tiền từ các tổ chức "tín dụng đen” cho nhanh và không cần những người thân trong gia đình ký tên… để lấy tiền sử dụng vào những mục đích chủ yếu như đánh bạc, trả nợ vay.... Hoạt động "tín dụng đen” mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng cũng bất chấp pháp luật để hành nghề cho vay nặng lãi.
Việc đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi, các tổ chức "tín dụng đen” thực sự là không dễ; trong khi hiệu quả từ công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan chưa cao; sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, người dân chưa tích cực tham gia vào việc cung cấp thông tin, cũng như phối hợp với lực lượng công an trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen”. Người vay tiền được xác định là "Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án", là người có quyền lợi bị xâm hại.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đa số không cộng tác, không cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh vụ án. Công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế. Đa số các đối tượng thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), các app, website, phần mềm, ứng dụng... để cho nhiều người vay lãi, hoặc đòi nợ, bôi xấu, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay để ép người vay trả tiền.
Bên cạnh đó, đối tượng cho vay thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng không chính chủ, dẫn đến khó khăn trong việc thu thập, xác minh, củng cố chứng cứ phục vụ cho điều tra, xử lý các đối tượng. Đặc biệt, các đối tượng cho vay thường yêu cầu người vay viết hợp đồng giả cách, cầm cố tài sản hoặc hợp đồng vay không ghi mức lãi suất, nếu có thì chỉ ghi mức lãi suất thấp, trong giới hạn được Nhà nước cho phép; hoặc lập các hợp đồng mua bán, viết giấy giao nhận tiền, tài sản khống; ép người vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm khống chế hoặc gây bất lợi về pháp lý cho người vay nên khi bị phát giác người vay không dám tố giác với cơ quan pháp luật… Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt là xử phạt tù đến 3 năm. Thực tế, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng mức án chỉ là… tù treo, không đủ sức răn đe.
Phải có những biện pháp ngăn chặn phạm tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, phải tấn công mạnh mẽ vào những tổ chức "tín dụng đen”; trong đó, phải điều chỉnh các chế tài xử lý (theo hướng tăng nặng) đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp phòng ngừa xã hội, phát triển kinh tế, cải cách thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư cho vay trong hệ thống ngân hàng… bởi loại hình tội phạm này đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự.
Lê Phiên