Bản án sơ thẩm vi phạm luật tố tụng
- Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái -
YBĐT - Ngày 13/7/2007, YBĐT đã đăng bài “Vụ án đòi tài sản ở Đại Đồng huyện Yên Bình (Yên Bái), 5 lần xử chưa đến hồi kết”. Sau khi đăng, Toà soạn và tác giả đã nhận được ý kiến của bị đơn là ông Lương Bá Ư cung cấp một số thông tin.
Ông cho rằng, thửa đất 126a là thửa đất trong sổ cấp đất cho lực lượng vũ trang, gia đình ông đã cải tạo và canh tác từ năm 1989- 1990. Còn thửa đất số 9, ông Đông đã bán cho ông, nhưng vì tin tưởng anh em nên không làm giấy tờ mua bán và ông đã bị em ông khởi kiện. Ông Ư cho rằng bản án sơ thẩm của Toà án huyện Yên Bình đã xử “thấu tình đạt lý”(!?) xác nhận ông không mượn đất, việc mua bán là có thật...
Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm toà đã trọng lời hơn trọng chứng. Không những thế, trong thư ông còn có ý bênh vực, thanh minh hộ cơ quan xét xử rằng “...lãnh đạo Toà án nhân dân huyện Yên Bình và ông chánh án có lẽ bận công tác chưa có điều kiện tiếp Huy Văn chứ không vì việc riêng tư mà làm ảnh hưởng (từ chối) đến sự quan tâm của báo giới. Còn tôi rất mong muốn hợp tác với báo giới và xin chịu mọi phí tổn cho điều tra...”(!?)
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đưa thêm một số thông tin, trong đó có kết quả phiên xử phúc thẩm của Toà dân sự, Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái ngày 20/9/2007. Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn bà Phạm Thị Dục vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Theo đó, ông Lương Bá Đông được UBND huyện Yên Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 26/01/1994, tổng diện tích là 60.370m2, gồm 6 thửa đất tại thôn Hương Giang (nay là thôn 7), xã Đại Đồng, huyện Yên Bình. Do chưa thể canh tác hết diện tích đất được cấp vì các con ông còn nhỏ, nên tháng 12/1995 ông Đông có cho ông Lương Bá Ư (anh cùng cha khác mẹ) mượn 02 thửa đất (số 9 và 126a).
Đến năm 2000, gia đình ông Đông có nhu cầu canh tác nên nhiều lần đòi lại 02 thửa đất trên nhưng không được. Chính vì vậy, ngày 16/9/2004 ông Đông đã uỷ quyền cho vợ là Phạm Thị Dục khởi kiện ra toà dân sự Toà án nhân dân huyện Yên Bình. Sự việc đã được toà án nhân dân cấp huyện và tỉnh xét xử 5 lần từ sơ thẩm đến phúc thẩm mà vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Qua xem xét vụ án, phiên phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm số 03/2007/DSST ngày 14/6/2007 của Toà án nhân dân huyện Yên Bình.
Phiên phúc thẩm, Toà án nhân dân tỉnh đã xem xét lại bản án xử sơ thẩm (lần 3) của Toà án nhân dân huyện Yên Bình. Trong đó, HĐXX sơ thẩm đã bác đơn đòi lại thửa đất 126a vườn tạp có diện tích 1.350m2 mà ông Đông trình bày đã cho ông Ư mượn. Qua thẩm định, đo đạc lại tại chỗ đã xác định thửa 126, 126a nằm liền kề với diện tích đang tranh chấp… và cho rằng thửa 126a hiện tại do chính gia đình ông Đông đang quản lý sử dụng. Đối với thửa đất số 9 nằm trong GCNQSDĐ đã cấp cho ông Lương Bá Đông, hiện tại ông Ư đang trồng keo.
Tại các lần xử trước, theo bà Dục (người đứng đơn) thì gia đình cho ông Ư mượn để canh tác, còn gia đình ông Ư trình bày đã mua của ông Đông với giá 1,5 triệu đồng từ năm 1995, nhưng ông Ư không đưa ra được một văn bản mua bán pháp lý nào. Vì thế, HĐXX sơ thẩm kết luận hợp đồng vô hiệu nên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, bác đơn yêu cầu đòi tài sản (đất) cho mượn của ông Đông đối với ông Ư. Tuyên huỷ hợp đồng dân sự về việc mua bán thửa đất số 9, buộc ông Ư phải trả lại diện tích 22.800m2 đất cho gia đình ông Đông.
Tuy nhiên, ông Đông phải hoàn trả tiền mua bán đất ban đầu 1.500.000 đồng (12/1995), nhưng tính tiền trượt giá chênh lệch là 56.250.000 đồng, tiền bồi thường chồi sở trên thửa số 9 là 3.322.000 đồng. Tổng cộng gia đình ông Đông phải hoàn trả cho gia đình ông Ư số tiền là 61.072.000 đồng…
Xét kháng cáo của bà Dục và bản án sơ thẩm, Hội đồng phúc thẩm nhận thấy, bản án sơ thẩm xác định sai về mối quan hệ pháp luật cần giải quyết, dẫn đến giải quyết không đúng, vượt quá phạm vi yêu cầu của người khởi kiện vi phạm Khoản 1, Điều 5 Bộ Luật tố tụng dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện mà cấp phúc thẩm thấy không thể khắc phục được. Vì vậy, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn huỷ bản án số 03/2007/TCDS ngày 14-6-2007 của Toà án nhân dân huyện Yên Bình để giải quyết lại vụ án theo trình tự thủ tục qui định chung.
Vụ án đã được giải quyết xét xử nhiều lần ở 2 cấp sơ - phúc thẩm nên được giữ lại ở Toà án nhân dân tỉnh để giải quyết sơ thẩm từ đầu. Như vậy, vụ án đòi tài sản (đất) ở Đại Đồng, Yên Bình đã kết thúc "hồi I" mà chưa thể phân xử rõ ràng. Tất cả bản án đã xử, phải “xí xóa làm lại từ đầu” do bản án xét xử sơ thẩm trước đây vi phạm Luật Tố tụng dân sự, xác định và áp dụng sai các điều luật, chưa trọng chứng cứ, dẫn đến giải quyết không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện.
Qua đây, dư luận đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực khi xét xử vụ án đã công tâm và đúng luật? Phải chăng, do trình độ, năng lực của hội đồng xét xử hay vì một nguyên do nào khác???
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 30/10/2007, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã mở phiên tòa lưu động, công khai xét xử vụ án Nguyễn Văn Trung - thường trú tại thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên về tội giết người.
YBĐT - Qua 2 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có những chuyển biến cơ bản.
YBĐT - Công an tỉnh Yên Bái vừa ra lệnh bắt khẩn cấp tên Đỗ Trọng Thủy có hộ khẩu thường trú tại thôn 2, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên về tội buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài. Ngày 12/6/2006, chị Triệu Thị L (tức Triệu Thị Minh T) 16 tuổi trú tại bản 1 xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sau khi đến nhà người quen chơi đã gặp Đỗ Trọng Thủy.
YBĐT - Năm 2007, Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã thụ lý 129 vụ án hình sự với 216 bị cáo. Tòa đã giải quyết 128 vụ, 213 bị cáo, đạt trên 99% số vụ án thụ lý.