Những ngày qua, Fricker đăng các video tập luyện, giao lưu với người hâm mộ và ăn chocolate trong cửa hàng tại làng Olympic ở Tokyo, Nhật Bản. Tương tự anh, vận động viên bóng nước Tilly Kearns cùng đoàn thể thao Australia cũng chia sẻ lên TikTok và Instagram những video liên quan đến Olympic và gây chú ý. Chỉ riêng video quay cảnh phòng ăn của các vận động viên đã thu hút 10 triệu lượt xem.
Trong bối cảnh Olympic năm nay không có khán giả đến xem trực tiếp vì ảnh hưởng của Covid-19, các vận động viên như Fricker và Kearns đã dùng mạng xã hội để chia sẻ trải nghiệm của họ với gia đình, bạn bè và người hâm mộ. Đây còn được cho là cách xây dựng thương hiệu cá nhân.
Trên Instagram, một trong những người gây chú ý nhất là vận động viên nhảy cầu Anh Tom Daley, với tài khoản hiện lên đến 2,8 triệu người theo dõi, đăng những bức ảnh tập luyện và chụp cùng các vận động viên khác.
Daley, người giành huy chương vàng nội dung đôi nam 10 m cầu cứng, gây chú ý tại Olympic do thường đan len trong lúc rảnh và có một tài khoản Instagram riêng đăng những sản phẩm anh tự đan, thu hút 970.000 người theo dõi. Kênh YouTube của Daley cũng đã cán mốc một triệu người đăng ký.
Tuy nhiên, hai nền tảng được đánh giá là nơi các vận động viên Olympic gây ảnh hưởng lớn nhất là TikTok và Douyin. Mỗi video của họ đang thu hút hàng triệu lượt xem và thích, đem lại sự nổi tiếng khó có thể tưởng tượng ngay cả trong kỳ Olympic gần đây nhất tại Rio de Janeiro, Brazil.
Cả TikTok và Douyin đều thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, bắt đầu phổ biến trên toàn cầu từ năm 2020, khi hàng triệu người dùng chia sẻ về cuộc sống của họ trong đại dịch. TikTok, ứng dụng ra mắt năm 2017, đã phá kỷ lục với 315 triệu lượt tải trong quý I năm ngoái và hiện có một tỷ người dùng hoạt động.
Douyin, ứng dụng ra mắt vào tháng 9/2016, một tháng sau Olympic Rio de Janeiro, cũng đã được tải xuống 600 triệu lần. Mô hình chia sẻ các video ngắn của TikTok và Douyin được cho là đặc điểm giúp hai nền tảng này trở nên phổ biến cả với vận động viên và những người hâm mộ.
Do không được phép rời làng Olympic trừ lúc đi thi đấu, các vận động viên đã sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, người hâm mộ thông qua đây biết được chuyện hậu trường, cuộc sống hàng ngày, hoạt động tập luyện của các vận động viên, đôi khi là con đường họ vươn đến đỉnh vinh quang.
Jonathan Hutchinson, giảng viên truyền thông tại Đại học Sydney của Australia, không bất ngờ khi các vận động viên Olympic trở thành những người có sức ảnh hưởng trong thời gian sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra. Hutchinson chỉ ra rằng thế hệ vận động viên hiện nay đã quen thuộc với hoạt động truyền thông kỹ thuật số và biết được những sai lầm người khác từng mắc phải.
"Họ được hướng dẫn để biết nên đăng nội dung nào cho phù hợp, cái gì được coi là mang tính giải trí và hữu ích. Quan trọng nhất là không nên đăng những gì", chuyên gia nói thêm.
Mặc dù các ứng dụng giúp mang đến góc nhìn gần gũi về cuộc sống của hơn 11.000 vận động viên tham gia Olympic, chúng cũng là yếu tố gia tăng áp lực lên họ, với vô vàn lời chỉ trích trên mạng ngay cả khi các sân vận động phần lớn trống không.
Vận động viên bóng bàn Nhật Bản Jun Mizutani trở thành mục tiêu công kích trên mạng, sau khi anh cùng Mima Ito đánh bại cặp vận động viên Trung Quốc Liu Shiwen và Xu Xin để giành huy chương vàng nội dung bóng bàn đôi nam nữ. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tỏ ra tức tối, cáo buộc trọng tài thiên vị và cặp vận động viên Nhật gian lận.
Cung thủ An San, người giành ba huy chương vàng cho đoàn thể thao Hàn Quốc, cũng hứng chịu những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội chỉ vì để tóc ngắn. Nhiều nam giới Hàn Quốc cho rằng kiểu tóc này nhằm "thể hiện nữ quyền", trong bối cảnh phong trào chống nữ quyền đang dâng cao ở nước này. Một số người thậm chí yêu cầu An San xin lỗi, cho rằng cô đáng bị tước huy chương Olympic.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang tới những ảnh hưởng tích cực, khi trở thành nơi mọi người thể hiện sự ủng hộ các vận động viên. Ngôi sao thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles trở thành chủ đề thịnh hành sau khi rút khỏi một số nội dung thi đấu vào tuần trước vì lý do sức khỏe tinh thần. Nhiều người dùng TikTok đã gửi lời động viên và ủng hộ Biles.
"Thi đấu trong lúc tinh thần tồi tệ có thể dẫn đến chấn thương về cảm xúc hoặc thể chất. Tôi rất vui vì Biles đang làm những gì tốt nhất cho cô ấy", một người dùng cho biết trong bình luận nhận được hơn 6.000 lượt thích. Biles sau đó trở lại và giành huy chương đồng nội dung cầu thăng bằng.
Trên Douyin, không chỉ các vận động viên mà huấn luyện viên cũng dần nổi tiếng. Liu Guoliang, huấn luyện viên bóng bàn Trung Quốc, đã thu hút 3,5 triệu người theo dõi và 4,6 triệu lượt thích, dù chỉ có 20 bài đăng kể từ tháng 2/2018. Một số video của Liu, như đánh ba quả bóng cùng lúc hoặc đánh bóng qua khe hẹp, trở thành chủ đề thử thách những người dùng khác làm theo.
Liu còn sử dụng Douyin để cảm ơn những người tham gia cứu trợ sau trận lũ lụt lịch sử tháng trước tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Bản thân anh cũng đến từ thành phố Tân Hương, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Đội tuyển bóng bàn Trung Quốc nên học tập từ họ và thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ hãi, tại Olympic Tokyo", Liu nói trong video. Tuy nhiên, tương tự những người khác, Liu cũng không tránh được mặt trái của mạng xã hội. Trong khi hầu hết người dùng ủng hộ Liu, một số người cáo buộc huấn luyện viên này "nói suông" và hỏi anh "đã quyên góp tiền chưa".
Bất chấp nhiều bình luận công kích và tiêu cực, mạng xã hội vẫn không thiếu những lời an ủi các vận động viên, như đối với tay vợt Liu Shiwen sau thất bại trong trận chung kết bóng bàn đôi nam nữ.
"Đừng cảm thấy có lỗi với bất cứ ai! Bạn đã cố gắng hết sức. Nếu có điều gì chúng tôi muốn nói với bạn, thì đó là cảm ơn!", một người dùng Douyin bình luận.
(Theo VnExpress)