Truyền hồn dân vũ cho người trẻ

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2014 | 2:54:45 PM

YBĐT - Mặc dù trải qua sự phát triển của lịch sử, song người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái) luôn tự hào khi giữ gìn được 6 điệu xòe cổ khởi nguồn của 36 điệu xòe, điệu múa hôm nay.

“Nâng khăn mời rượu” - một trong sáu điệu xòe cổ thường được các thiếu nữ Thái Nghĩa Lộ biểu diễn trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh.
“Nâng khăn mời rượu” - một trong sáu điệu xòe cổ thường được các thiếu nữ Thái Nghĩa Lộ biểu diễn trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh.

Sau thành công của Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 -2020 gắn với trình diễn màn đại xòe cổ lớn nhất xác lập Kỷ lục Việt Nam, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ càng thêm tự hào và nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, nhất là tiếp tục đẩy mạnh việc truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ.

Xòe là nét văn hóa đặc trưng của người Thái Tây Bắc. Xòe hay xe, là cách gọi của người Thái về nghệ thuật múa của mình. Xòe được mô phỏng từ sự sáng tạo, thẩm mĩ của nhân dân qua quá trình lao động, sản xuất. Mặc dù trải qua sự phát triển của lịch sử, song người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò luôn tự hào khi giữ gìn được 6 điệu xòe cổ khởi nguồn của 36 điệu xòe, điệu múa hôm nay.

Bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: “Để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ, cấp ủy thị xã có những chỉ đạo, định hướng tập trung vào: tăng cường truyền truyền về ý nghĩa của 6 điệu xòe cổ; khuyến khích các nghệ nhân, người am hiểu xòe cổ truyền dạy và xây dựng được đội ngũ những người truyền dạy xòe cổ một cách thuần thục; chỉ đạo đưa 6 điệu xòe cổ vào chương trình ngoại khóa trong các nhà trường; tổ chức hội thi múa xòe cấp cơ sở và thị xã nhân các ngày lễ, tết, sự kiện. Hiện, thị xã đã chỉ đạo hoàn thành đĩa “Điệu dân vũ nồng say” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của xòe cổ, đồng thời động viên, khích lệ nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc thù của dân tộc mình, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về quê hương Nghĩa Lộ - Mường Lò”.

Các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng các đội văn nghệ của thôn, bản, tổ dân phố, từ đó chọn lọc thành lập từ 2 - 3 đội văn nghệ nòng cốt. Ngoài việc tập luyện các tiết mục văn nghệ dân gian, các thành viên trong đội còn thường xuyên chỉ bảo, uốn nắn cho nhau từng động tác trong 6 điệu xòe cổ và tuyên truyền cho nhau nghe về ý nghĩa của từng điệu xòe.

Hiểu được những ý nghĩa đó, mỗi thành viên xòe sẽ hay hơn, nhuần nhuyễn hơn, bởi lúc ấy xòe không chỉ bằng đôi chân, đôi tay mà bằng cả tâm hồn, tình yêu và lòng tự hào văn hóa dân tộc. Điều đó được thể hiện trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của mỗi người, đó mới là thành công lớn nhất trong việc truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ.

Bà Điêu Thị Xiêng - nghệ nhân dân tộc Thái - xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tâm sự: “Hễ cứ nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống vang lên là tôi đã muốn xòe và 6 điệu xòe cổ như ngấm sâu vào máu thịt của tôi vậy. Chắc vì vậy mà tôi thường xuyên tham gia truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ và quan trọng tôi cũng muốn để các cháu có cảm nhận như mình, có như vậy thì 6 điệu xòe cổ không chỉ sống trong các lễ hội, các cuộc vui chơi của thôn bản mà luôn sống trong tiềm thức của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ”.

Đến nay, 7/7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ và các tổ dân phố, thôn bản đều có đội văn nghệ và xòe được 6 điệu xòe cổ. Những thiếu nữ Nghĩa Lộ - Mường Lò đôi tay thạo cấy lúa, đôi chân quen với những thửa ruộng, bãi ngô, nhất là chưa từng qua một khóa đào tạo chính quy nào về nghệ thuật múa nhưng lại múa dẻo đến thế, xòe hay đến thế. Tất cả như có hồn và cái hồn ấy được thổi vào du khách, thôi thúc họ cùng tham gia các điệu múa, vòng xòe.

Em Cầm Thị Thiên - bản Lè, phường Trung Tâm tâm sự: “Ban đầu chúng em tập 6 điệu xòe cổ cũng thấy khó, nhất là điệu xòe Phá xí ( Bổ bốn), song với sự nhiệt tình của các già làng, nghệ nhân và sự say mê tìm hiểu về xòe cổ mà chúng em đã tập thành thục. Em mong muốn sẽ được tham gia biểu diễn 6 điệu xòe cổ nhiều hơn cho khách du lịch để quảng bá về nét văn hóa đặc sắc của Nghĩa Lộ - Mường Lò”.

Hiện, các trường học trên địa bàn thị xã đã mời đội trưởng đội văn nghệ của xã, phường, thôn bản về tập luyện và dạy 6 điệu xòe cổ cho các cháu học sinh. Trong dịp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các sự kiện, nhà trường đều tổ chức biểu diễn 6 điệu xòe cổ.

Xuân đã về, khắp các bản làng rộn ràng trong tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng tằng pẳng thôi thúc mỗi người cùng tham gia các điệu xòe cổ, thắt chặt tinh thần đoàn kết, nhân lên niềm vui, ước mong về một mùa màng bội thu, bản làng no ấm, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào đẩy mạnh xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ.

Thu Hằng

Các tin khác

Sở VH-TT&DL tỉnh Long An phối hợp cùng huyện Cần Đước tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An, lần thứ 20.

Ban tổ chức trong buổi họp báo

Sau gần 2 tháng chuẩn bị, cuộc thi cấp quốc gia Hoa hậu Đại dương chính thức họp báo ra mắt tại TP.HCM, dành cho các cô gái trong nước và gốc Việt ở nước ngoài nhằm tìm kiếm gương mặt đại diện trong các hoạt động bảo vệ môi trường biển Việt Nam và Dự án Blue Ocean World.

Bà Katherine Muller Marin trao bằng khen cho các cá nhân đã có đóng góp tích cực cho Dự án.

UNESCO trao giải Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 cho Dự án: “Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm".

Chương trình

Hôm nay (18-2), kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6 và công ty BHD chính thức công bố kế hoạch sản xuất phiên bản Việt Nam của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới “Star Academy – Học viện ngôi sao”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục