Đi qua lễ hội mùa xuân
- Cập nhật: Thứ tư, 26/2/2014 | 2:57:38 PM
YBĐT - Lễ hội mùa xuân ở Yên Bái có đặc thù quy mô nhỏ từng địa phương, tộc người nên thời gian diễn ra các lễ hội chủ yếu từ sau tết Nguyên đán qua trung tuần tháng Giêng. Cũng vì thế mà không khí hội xuân sau tết khá sôi động trên diện rộng trong một thời gian ngắn.
Thi bắn nỏ trong ngày hội xuân ở xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải).
|
Trong đó, lễ hội sớm nhất vào ngày 4 tháng Giêng là hội Xuống đồng của xã Quy Mông (Trấn Yên) - nơi có đông đồng bào Mường sinh sống. Ngay sau đó, xã Y Can cùng huyện Trấn Yên cũng mở Hội chọi trâu lần thứ nhất vào ngày mồng 8 tháng giêng. Đến thời điểm trung tuần tháng Giêng, hàng loạt các lễ hội được diễn ra ở vùng ngoài như hội Lồng tồng xã An Thịnh, hội đình Yên Phú kết hợp với việc đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh rồi đến hội đền Đông Cuông, đền Phúc Linh của huyện Văn Yên.
Ở huyện Yên Bình, lễ hội đền Mẫu Thác Bà cũng là địa chỉ thu hút đông du khách về chiêm bái và liền kề với lễ hội này là hội đình Đại Minh - miền quê nổi tiếng với bưởi đặc sản có thương hiệu từ xa xưa. Huyện Lục Yên trong nhiều năm nay, nhờ làm tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nên đã nhanh chóng được du khách nước ngoài trên hành trình du lịch lên Sa Pa cùng người dân trong tỉnh, các tỉnh lân cận như: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang… tìm về với hội đền Đại Cại nằm trong quần thể di tích khảo cổ học cấp quốc gia cùng với lễ hội chọi trâu truyền thống đã có tên tuổi trong số các hội chọi trâu quy mô lớn của cả nước.
Ở thành phố Yên Bái có đền Mẫu phường Nam Cường mở hội vào ngày rằm tháng Giêng, còn lại các đền chùa lớn như: chùa Ngọc Am, chùa Bách Lẫm, chùa Rối, đền Tuần Quán đều là những điểm thu hút đông người đến làm lễ cầu an, cầu tài, cầu lộc.
Vùng phía tây của tỉnh, đền, chùa không nhiều nên đầu xuân Giáp Ngọ các địa phương như Nghĩa Lộ, Văn Chấn chỉ tổ chức một số lễ hội mang tính đặc thù của tộc người như lễ hội Xên Đông (cúng rừng) của đồng bào Thái xã Hạnh Sơn (Văn Chấn). Thị xã Nghĩa Lộ tổ chức hội Hạn Khuống của người Thái tại xã Nghĩa An.
Đồng thời với những lễ hội này, nhiều xã đã thực hiện sự chỉ đạo của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho nhân dân vui tết đón xuân. Đặc biệt, ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải là năm thứ hai đồng bào Mông thực hiện cùng ăn chung tết Nguyên đán nên tại các trung tâm huyện, trung tâm các xã đều tổ chức các hoạt động vui xuân để bà con người Mông cùng hòa chung bầu không khí vui tươi đầm ấm của ngày tết Nguyên đán.
Thi đấu bóng chuyền trong ngày hội đền Đại Cại (Lục Yên).
Các lễ hội đầu xuân ở Yên Bái đều thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt trong tín ngưỡng đạo phật, tín ngưỡng thờ thần bảo hộ như thần hoàng làng, thờ ma rừng, thờ ma mường, tín ngưỡng thờ mẫu và tục cầu phồn thực. Bên cạnh những nét văn hóa tâm linh thì điểm đồng nhất giữa các lễ hội truyền thống cũng như các điểm tổ chức vui xuân là công tác tổ chức lễ hội đều coi trọng mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như phục dựng lại loại hình hát giao duyên từ xa xưa của đồng bào Thái; giao duyên qua hình thức ném pao, hát ống của người Mông.
Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian cũng giữ vai trò chủ đạo trong hội xuân như thi ném còn, đấu cờ tướng, thi đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tó mắc lẹ, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt... Cùng với đó, các loại hình văn nghệ, các môn thể thao hiện đại như múa hát, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông cũng được chú trọng để cho bầu không khí hội xuân càng thêm sôi động, hấp dẫn.
Các lễ hội lớn như hội đền Đông Cuông, Hội chọi trâu Lục Yên ngày càng khẳng định là một địa chỉ có sức thu hút du khách trong và ngoài tỉnh những ngày đầu xuân. Tình hình an ninh trật tự trong các sinh hoạt lễ hội được bảo đảm nên không để xảy ra tình trạng trộm cắp, mất an toàn giao thông, cờ bạc, cá cược hoặc lạm dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan. Đồng thời, các dịch vụ trong lễ hội, nhất là nơi thu hút đông người không có dấu hiệu bắt chẹt du khách và đã giảm nạn lợi dụng nơi đông người để ăn xin làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội…
Những ưu điểm nổi bật đó cần được các cấp, các địa phương, ngành chức năng quan tâm đúng mức hơn nữa để tạo tiền đề hướng tới ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế du lịch gắn với hoạt động lễ hội trong tương lai.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Đầu năm Giáp Ngọ, du xuân đền Thượng ở Lào Cai, tình cờ tôi gặp lại được hình ảnh ông đồ xưa. Với manh chiếu, chõng tre, giấy đỏ, mực tàu, ống bút nho, dáng ngồi cong gập, viết thư pháp Hán Nôm, phục vụ người đi xin chữ về treo tại nhà, nơi làm việc hay góc học tập của các bạn học sinh, sinh viên.
NXB Kim Đồng vừa giới thiệu bộ “Tranh truyện dân gian Việt Nam” phiên bản song ngữ Việt - Anh.
"Bông lúa vàng" là cuộc thi dành cho Bộ môn ca nhạc Tài tử và cải lương đầu tiên trên hệ thống Phát thanh và Truyền hình cả nước...
Không rực rỡ như các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc, trang phục phụ nữ Chăm thể hiện nét duyên độc đáo, vừa kín đáo nhưng lại quyến rũ lạ thường.