Phim đã phần nào nói lên được khát vọng mãnh liệt của các thế hệ con dân đất Việt trong việc bảo vệ đất nước, bảo vệ biên cương trước họa xâm lăng, thể hiện được những cống hiến, hy sinh của nhân dân ta cùng các lực lượng vũ trang trong xây dựng và bảo vệ biên giới qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, trong đó có vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng).
Đạo diễn Phan Tô Hoài, đạo diễn Vũ Ngọc Khôi - nguyên sĩ quan biên phòng từ những ngày đầu thành lập lực lượng - chia sẻ: “Trải ngàn năm mở cõi, cha ông ta đã luôn chú trọng xây dựng phương lược bảo vệ biên cương, tạo lập đồn trại trấn thủ những nơi hiểm địa.
Từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... triều đại nào cũng âm vang những chiến công bảo vệ giang sơn xã tắc, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi bờ; rạng rỡ bao tấm gương anh hùng hào kiệt xả thân giữ yên cương vực. Kế thừa trọng trách cha ông để lại, toàn Đảng, toàn dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh đã cùng làm nên những huyền thoại, viết tiếp “Những trang sử biên thùy” vẻ vang, hùng tráng...”.
Phim khởi quay từ tháng 4.2013, ghi hình trên 43 tỉnh, thành phố có đường biên giới trên đất liền và biển, đảo của nước ta, chia thành 3 phần, lần lượt theo các chủ đề: Phần 1: “Ông cha ta giữ yên bờ cõi” - gồm 5 tập, khái quát khá trọn vẹn các phương lược bảo vệ tổ quốc, mở mang và trấn thủ bờ cõi qua các triều đại trong lịch sử.
Phần 2 gồm 13 tập, có các chủ đề “Nối nghiệp biên phòng”; “Ta gác cho Người, Người gác cả non sông”; “Bài học về thu phục nhân tâm”; “Đọ sức đôi bờ”. Phần 3 có chủ đề “Biên phòng hiện đại”.
Những sự kiện, câu chuyện trong phim rất mộc mạc, đời thường, nhưng cũng không kém phần hoành tráng mà không cần phải sắp đặt hay tô vẽ. Những ký ức lịch sử được ghi lại bằng hình ảnh, lời kể của người trong cuộc, lời bình của những nhà nghiên cứu như PGS Trịnh Sinh, nhà sử học Lê Văn Lan, nhà văn Nguyễn Trường Thanh, ...và đặc biệt là những nhân chứng sống của lực lượng bộ đội biên phòng...
(Theo LĐO)