Bế mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014

Tối 15/3, tại chân tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), lễ bế mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014 đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng, rực rỡ.

Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014 là sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Bắc; các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, các sở, ngành các tỉnh trong mối liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cùng đông đảo nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Điện Biên, du khách trong và ngoài nước tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên khẳng định sau 3 ngày với những trải nghiệm thú vị, Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014 đã thành công, góp phần quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Điện Biên cũng như cả vùng Tây Bắc.

Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014 với các chương trình nghệ thuật; triển lãm tranh, ảnh; hội thảo khoa học; hội thi… đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả và nhân dân cả nước; mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc khác nhau, góp phần làm nên thành công chung cho toàn bộ chương trình.

Tỉnh Điện Biên sẽ nỗ lực xây dựng, phát triển để có đủ điều kiện đón đồng bào, đồng chí trong cả nước và bạn bè thế giới về thăm Điện Biên Phủ, thăm lại di tích lịch sử chiến trường xưa và tưởng niệm những con người vì chiến tranh đã nằm lại trên mảnh đất thiêng liêng này.

Ngay sau lễ bế mạc, chương trình “Diễu hành văn hóa đường phố” với chủ đề “Qua miền Tây Bắc, xem hội hoa Ban” chính thức khởi động. Tham gia chương trình, 15 xe lưu động của 8 tỉnh Tây Bắc trong mối liên kết mở rộng được trang trí lộng lẫy, mang những nét đặc trưng văn hóa của mỗi tỉnh, của vùng Tây Bắc diễu hành qua các đường phố. Lộ trình của đoàn xe và gần 1.000 diễn viên trong và ngoài tỉnh xuất phát từ cầu Thanh Bình (bắc qua dòng Nậm Rốm huyền thoại), di chuyển qua chân Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (đặt trên đỉnh đồi D1), ngược phố 7/5 (một phân đoạn của tuyến đường dự kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp), đến đồi A1 lịch sử rồi quay về quảng trường Trung tâm văn hóa hội nghị tỉnh Điện Biên.

Chương trình diễu hành đưa người xem hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, đa sắc màu văn hóa của nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Từ đó người xem càng thêm yêu quý mảnh đất của hoa Ban, của những làn điệu dân ca, dân vũ và những con người thân thiện, mến khách. Sau chương trình diễu hành đường phố này, lễ hội Hoa Ban sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Điện Biên nói riêng, của các tỉnh Tây Bắc nói chung trong mối liên kết vùng.

Trước thời điểm diễn ra lễ bế mạc, người dân nô nức đổ về, nêm cứng các ngả đường dẫn về Sân tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dọc hai bên tuyến đường mà đoàn xe diễu hành đi qua, nhân dân và du khách thập phương đứng kín từng dãy dài, ai cũng háo hức, vui tươi, phấn khởi.

Không còn khoảng cách của ngôn ngữ, dân tộc, người xem đều hướng về tình đoàn kết và tận hưởng không khí ấm áp, vui tươi của lễ hội. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, tổ dân phố 17, phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) háo hức cho biết: "Hôm nay, mình đã cố gắng hoàn tất mọi công việc trong gia đình để được xem chương trình “Diễu hành văn hóa đường phố”. Khi hòa chung vào dòng người, mình thấy rất vui. Ngắm nhìn từng chiếc xe đi diễu hành trên đường, mình càng hiểu hơn những nét văn hóa, tập quán trong sinh hoạt của nhiều dân tộc sinh sống trên mảnh đất Điện Biên."

Theo đánh giá của Ban tổ chức, du lịch Điện Biên-Tây Bắc đã và đang chuyển mình khởi sắc. Lễ bế mạc thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, là dịp để tỉnh Điện Biên quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương.

Tại lễ bế mạc, tỉnh Điện Biên tặng bằng khen cho 5 tập thể, 9 cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp để làm nên thành công cho Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014.

Cùng ngày, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên, tại Quảng trường Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin các huyện Mường Chà, Điện Biên tổ chức trình diễn các nghi thức đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Hai nghi thức được trình diễn là “lễ tra hạt” của dân tộc Khơ Mú ở huyện Điện Biên và lễ hội Then Kin Pang của dân tộc Thái ở huyện Mường Chà.

Các trò chơi “mưa đá” (trò chơi ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt), trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xòe... trong hai nghi thức này đã tạo nên không khí vui tươi phấn khởi, thu hút đông đảo người dân và du khách cùng tham gia.

(Theo TTXVN)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Ngày 13/7, tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thuộc Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở ở xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân xã Cam Lộ tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương 13/7 (1885-2025), mở đầu cho phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

fb yt zl tw