Giáo sư Trần Văn Khê qua đời
- Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 1:46:52 PM
Rạng sáng 24/6, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam - Giáo sư Trần Văn Khê qua đời tuổi ở 94 sau gần một tháng chữa trị.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê khai đàn dịp Tết Ất Mùi 2015 tại tư gia.
|
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời vào khoảng hai giờ sáng 24/6 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định,thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Theo đúng ý nguyện của giáo sư, thi hài ông được quàn tại tư gia đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh. Tang lễ của ông diễn ra ở ngôi nhà này.
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cho biết, lễ tang của Giáo sư Khê được thực hiện theo bản di nguyện do ông lập ra vào ngày 5/6 khi nằm trên giường bệnh.
Theo di nguyện của Giáo sư, khi ông qua đời, con trai trưởng của ông là Giáo sư Trần Quang Hải sẽ là chủ tang. Tuy vậy, do Giáo sư Hải đang ở Pháp, chưa trở về kịp, một tiểu ban tang lễ được lập ra gồm những người thân thiết của ông như: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương)... Ngoài ra, có các thành viên trong gia đình, môn sinh và bạn bè cùng chung lo hậu sự cho giáo sư.
Từ tháng Tư, cảm nhận về việc mình sắp ra đi, Giáo sư Khê liên lạc với bạn bè thân thiết, trong đó có nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân ở Huế để gửi gắm về việc lo giúp mình hậu sự. Ngay khi nghe tin Trần Văn Khê nhập viện nguy kịch, ông Nguyễn Đắc Xuân bay từ Huế vào TP HCM và sát cánh bên gia đình giáo sư đến ngày ông mất.
Từ ngày 9/6, khi hay tin cha đang hấp hối, Giáo sư Trần Quang Hải cũng từ bay Pháp về Việt Nam. Trong giai đoạn này, sức khỏe Giáo sư Khê nhiều lúc rơi vào nguy kịch khiến gia đình, người thân lo lắng. Ban tang lễ dự kiến được lập ra từ lúc này để Giáo sư Hải kịp họp bàn chuyện hậu sự cho cha.
Trong một tháng nằm viện, có lúc tưởng như Giáo sư Khê có dấu hiệu hồi tỉnh khi sau nhiều ngày hôn mê. Ngày 18/6, ông mở mắt nhìn con trai và có phản ứng tỏ vẻ hiểu khi nghe trò chuyện. Ngày 21/6, do bận việc, Giáo sư Hải bay về Pháp. Tuy vậy, chỉ ba ngày sau, Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục rơi vào hôn mê và không vượt qua được thử thách về sức khỏe lần này. Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là ngày sinh nhật mừng thọ 94 tuổi của mình. Giáo sư Khê sinh ngày 24/7/1921.
Ông Trần Văn Khê mong muốn linh cữu của ông được quàn tại tư gia và tang lễ thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang là người chủ tế cho các nghi thức.
Sau thời gian quàn tại tư gia để bạn bè, môn sinh và khán giả đến tưởng nhớ ông lần cuối, Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được hỏa táng. Di nguyện, tro cốt của Giáo sư được đặt dưới bàn thờ ông bà ở tư gia đường Huỳnh Đình Hai. "Nếu vì một lý do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất", Giáo sư bày tỏ mong ước cuối đời.
Tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt. Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn ban tang lễ dùng số tiền này lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Giáo sư Khê trở bệnh nặng vào ngày 27/5 và được đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim.
Giáo sư Khê quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Từ đó đến nay, ông nhiều lần phải vào ra bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe yếu. Từ trẻ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng lần nào ông cũng kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hồi phục sức khỏe ngay sau đó để trở lại với công việc quảng bá, giảng dạy âm nhạc. Lần nhập viện cuối cũng là lần nằm viện lâu nhất của ông. Ông chống chọi với bệnh tật cho đến phút cuối cùng.
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Trong hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc ở Pháp, Giáo sư Khê luôn tranh thủ những chuyến về nước ngắn ngủi để tìm hiểu và giao lưu với các nghệ nhân trong nước về nhạc truyền thống. Từ năm 2003, ông quyết định về định cư tại TP HCM.
Năm 2004, ông chuyển về nước hàng nghìn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... Tất cả tư liệu được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc được đóng gói trong hơn 460 kiện hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Khối lượng tư liệu này được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP HCM. Tháng 10/2005, Ủy Ban Nhân Dân TP HCM bàn giao căn biệt thự nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh làm nơi lưu trú cho Giáo sư Khê. Ngôi nhà này còn là nơi lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông.
Trong bài phỏng vấn với VnExpress vào năm 2006 - thời điểm ông đón cái Tết đầu tiên ở ngôi nhà mới - Giáo sư Khê tâm sự: "Ở Pháp, tôi được bảo hiểm xã hội 100%, lại có bổng hưu trí, đau bệnh không mất tiền, được chăm sóc, đãi ngộ tận tình. Nhưng sống bình yên thoải mái không có nghĩa là ngồi yên rồi ôm đống tư liệu bao năm mình đã tích cóp. Như vậy thì quá uổng công.
Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Sống ở nước ngoài, một năm dăm ba lần mới có vài sinh viên đến tìm gặp trao đổi. Thỉnh thoảng mới có dịp gặp gỡ những bạn trẻ, những gì tôi nghiên cứu được cứ giữ đó không có nhiều dịp để truyền đạt".
- Năm 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest. |
(Theo HNMO)
Các tin khác
Nhiều cổ vật quý hiếm 1.000 năm tuổi vừa được khai quật cách Thành nhà Hồ hơn 1km về phía Đông Nam, nằm liền kề với hệ thống la thành của nhà Hồ.
Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí MInh (TP.HCM), đã thay mặt chùa Vĩnh Nghiêm và các tăng ni phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tham gia đấu giá bức tranh với giá 400 triệu đồng.
Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa cho ra mắt bộ phim tài liệu dài 5 tập Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (kịch bản và đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Lâm Thành Quý). Bộ phim đã được thực hiện trong 3 năm, đoàn phim đã đến 9 quốc gia trên thế giới để thu thập tư liệu, gặp gỡ một số nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam lẫn thế giới, để có những bằng chứng khách quan, thuyết phục gửi đến người xem.