Người dân xếp hàng dài đưa tiễn Giáo sư Trần Văn Khê
- Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 2:15:53 PM
Những người yêu mến nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, học sinh - sinh viên... đứng hai bên đường, tiễn linh cữu Giáo sư Khê từ nhà ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) về Bình Dương hỏa táng.
Đoàn người trật tự đi sau linh cữu khi di chuyển đến nơi hỏa táng tại Bình Dương.
|
Sáng 29/6, lễ động quan Giáo sư Trần Văn Khê diễn ra tại nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, TP HCM. Dù 6h nghi thức mới bắt đầu, từ trước đó, rất đông người tề tựu về tư gia của ông để chờ giây phút tiễn đưa linh cữu.
Mở đầu nghi thức động quan, ông Trần Quang Hải - con trai trưởng Giáo sư Trần Văn Khê - đọc bài điếu văn ngắn gọn. Trong đó, ông Hải và gia đình tri ân sâu sắc tất cả những người sát cánh gia đình ông để lo việc hậu sự cho cha mình suốt thời gian vừa qua. Ông dành lời cám ơn những người thân, học trò, bạn hữu của cha - những người đã chăm sóc cho Giáo sư Trần Văn Khê trong thời gian ông lâm bệnh.
Con trai Giáo sư Khê đọc điếu văn trong lễ tang bố.
Điếu văn không nhắc đến tiểu sử của Giáo sư Trần Văn Khê vì theo ông Hải phần thông tin này đều được mọi người nắm rõ. Ông Hải nhắc về sự nối tiếp, kế tục những công việc mà cha ông để lại: “Ba tôi là người đã dành cả cuộc đời cho âm nhạc Việt và văn hóa Việt. Ba không chỉ là cha, người thầy mà còn là người đồng nghiệp của tôi suốt 50 năm qua, cha con tôi sát cánh với nhau trong các hoạt động âm nhạc trên trường quốc tế... Thế giới ngày này biết rõ và tôn vinh âm nhạc Việt Nam qua bảy di sản văn hóa phi vật thể như: nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử, hát ví dặm, trong đó có đóng góp của cha và tôi. Hiện nay, tôi tiếp tục tiếp nối con đường mà ba tôi vạch ra để tiếp tục quảng bá, giới thiệu hát bài chòi, hát chầu văn... với thế giới".
Ông Hải cho biết theo đúng di nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê, toàn bộ số tiền phúng điếu sau tang lễ sẽ được tổng kết và dùng lập quỹ học bổng mang tên Giáo sư. Trong tương lai, ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai được kỳ vọng trở thành Trung tâm Trần Văn Khê chuyên về các loại hình văn hóa - nghệ thuật của miền Nam.
Dù đau buồn, những ngày qua, gia đình, người thân và nhiều người đến viếng tang Giáo sư Khê đều không tạo không khí bi lụy với ý nguyện để Giáo sư ra đi thanh thản. Sau phần điếu văn, linh cữu Giáo sư Khê được chuyển ra xe lên đường về Bình Dương. Nước mắt lăn dài trên gương mặt mọi người nhưng ai nấy đều cố kìm nén để không khóc thành tiếng. Đoạn đường Huỳnh Đình Hai trước nhà Giáo sư được lấp đầy với xe tang lễ và dòng người dân xếp hàng chờ. Trong số đó, có nhiều nghệ sĩ như: ca sĩ Hồng Hạnh, đạo diễn Lê Quý Dương, diễn viên Thành Lộc... Dù lượng người tập trung trước nhà Giáo sư Khê khá đông - ước tính khoảng 1.000 người, nghi thức di quan diễn ra trong trật tự và trang nghiêm nhờ lực lượng công an giao thông và bảo vệ điều phối hiệu quả.
Giữa hàng dài vòng hoa tang, người dân đứng chen cứng hai bên đường nhường lối cho gia đình Giáo sư Khê di chuyển với bài vị và di ảnh của ông. Khi xe tang di chuyển ngang Đại học Bình Dương, hàng trăm sinh viên - giảng viên của trường đứng ở cổng, cầm trên tay những bông cúc trắng vẫy chào tạm biệt ông lần cuối. Giáo sư Trần Văn Khê từng giảng dạy tại ngôi trường này. Bạn Nguyễn Thị Thảo, sinh viên Khoa Ngoại ngữ - Đại học Bình Dương cho biết dù chưa học Giáo sư Khê ở trường ngày nào, nhưng cô biết đến ông rất nhiều qua sách vở, báo chí và rất yêu quý nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Thảo là một trong số rất đông sinh viên theo đoàn xe tang về đến đài hỏa táng ở Nghĩa trang Hoa Viên để tiễn biệt Giáo sư.
Sinh viên Đại học Bình Dương đứng bên đường tiễn đưa Giáo sư Trần Văn Khê.
Tại Đài hóa thân Hoàn vũ ở Nghĩa trang Hoa Viên, các nghi thức cuối cùng được thực hiện trước khi thi hài Giáo sư Khê được đưa vào nhà hỏa táng. Sau nghi lễ Phật giáo, Tiến sĩ Nguyễn Nhã run run đọc bài thơ "Khóc Giáo sư Trần Văn Khê". Giọng đọc trầm buồn của ông khiến những người xung quanh đều rơi nước mắt. Cuối cùng, con trai Giáo sư - ông Trần Quang Hải - một lần nữa nói lời tri ân những người tới viếng. Sau lời tri ân này, mọi người xếp hàng dài để chờ đặt trước trước linh cữu Giáo sư Khê những bông cúc trắng chia tay.
Tro cốt của Giáo sư Khê được mang về đặt tại ngôi nhà ở Huỳnh Đình Hai dưới bàn thờ ông bà như ý nguyện của ông.
* Lễ động quan và hỏa táng Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921, qua đời vào sáng 24/6. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Giáo sư Khê quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Từ đó đến nay, ông nhiều lần phải vào ra bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe yếu. Từ trẻ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng lần nào ông cũng kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hồi phục ngay sau đó để trở lại với công việc quảng bá, giảng dạy âm nhạc. Lần nhập viện cuối cũng là lần nằm viện lâu nhất của ông. Ông chống chọi với bệnh tật cho đến phút cuối cùng.
Trong di nguyện của mình, Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ mong muốn sự nghiệp tinh thần, các hiện vật, tài liệu, vật dụng của ông để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Sau hơn 2 ngày nhập viện vì sốt xuất huyết, sáng sớm 29/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bị hôn mê sâu và ra đi lúc 10h15'.
Ngày 27/6 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 6 - Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam (2015-2020).
Có tới 15 thí sinh thuộc khu vực phía Bắc đã lọt vào chung kết toàn quốc cuộc thi Sao Mai 2015, trong khi miền Nam có 2 thí sinh và 3 giọng hát của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Ngày 27/6, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt.