Trong đời sống xã hội hiện nay, biểu trưng được tạo nên bởi những thuộc tính đặc trưng, bằng những hình ảnh tinh lọc đơn giản nhất để dễ nhận biết và không bị nhầm lẫn khi xâm nhập vào đời sống xã hội. Không chỉ là hình ảnh đại diện, biểu trưng còn là một thông điệp mà chủ nhân của nó muốn gửi đến cộng đồng.
Hiện nay, đại đa số các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đều đã sử dụng sản phẩm logo phục vụ trong các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương như: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau...
Logo được sử dụng trong các kỳ đại hội, hội nghị, trong những ngày hội văn hóa và được xây dựng trên cổng chào, in trên những túi quà tặng, đồ lưu niệm... Ở đó, mọi người sẽ cảm nhận được khái quát những giá trị tiêu biểu về truyền thống văn hóa của mảnh đất và con người ở mỗi địa phương, trong công cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước thông qua các di tích lịch sử - văn hóa; đồng thời phản ánh được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong thời kỳ đổi mới.
Trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, từ những vấn đề nhỏ như một công ty sản xuất kinh doanh là để tạo sản phẩm chất lượng, uy tín, thì mọi sản phẩm làm ra đều được gắn nhãn, mác logo, tem bảo hành trên bao bì sản phẩm, nhằm khẳng định thương hiệu của đơn vị, công ty. Cao nhất là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được sáng tác, cách điệu trên một ý tưởng hoàn hảo. Với một hình tròn, nền đỏ, ở giữa là ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa và phía dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Yên Bái, đã có địa phương xây dựng được biểu trưng cho riêng mình, đó là huyện Mù Cang Chải. Với hình tượng cây khèn của người Mông được cách điệu ôm sát vòng tròn lớn, bên trong ghi tên địa danh huyện đã tạo được giá trị tiêu biểu về truyền thống văn hóa lịch sử của đất và người nơi đây. Biểu trưng này đã tạo nên một thông điệp mang đậm nét truyền thống để lại trong lòng du khách mỗi khi đến công tác, tham quan du lịch tại huyện vùng cao Mù Cang Chải. Được biết, tỉnh Yên Bái đã rất sớm quan tâm tới việc tìm ra một biểu trưng, làm hình ảnh đại diện cho tỉnh.
Ngay từ tháng 6/ 2012, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Cuộc thi Sáng tác biểu trưng (logo) của tỉnh Yên Bái. Khi đó, Ban Tổ chức đã mời họa sỹ Lê Huy Tiếp - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Trung ương làm Trưởng Ban giám khảo và đã có hơn 200 tác phẩm biểu trưng được các họa sỹ trong và ngoài tỉnh tham gia sáng tác. Một số tác phẩm được đánh giá cao về ý tưởng. Tuy nhiên, theo nhận xét từ Ban giám khảo thì các tác phẩm dự thi chưa thật sự hoàn thiện và đạt tiêu chuẩn về những nội dung, yêu cầu do Ban tổ chức đưa ra. Vì vậy, chưa thể có được biểu trưng riêng cho tỉnh Yên Bái.
Họa sỹ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, đồng thời là thành viên Ban giám khảo tại Cuộc thi cho biết: “Một phần do thời điểm, thời gian tổ chức Cuộc thi chưa thật sự thuận lợi, bởi do thời gian phát động chỉ trong vòng 3 tháng và đúng vào dịp học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật trên toàn quốc đang kỳ nghỉ hè, do vậy số lượng các tác giả tham gia sáng tác chưa nhiều. Một số tác phẩm được đánh giá có được ý tưởng hay song chưa thực sự hoàn thiện việc sắp xếp bố cục, cần bổ sung thêm nhiều chi tiết mới có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) với mục tiêu xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, mục tiêu phát triển kinh tế du lịch được đặc biệt chú trọng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, UBND tỉnh Yên Bái cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) để lựa chọn ra một biểu trưng tiêu biểu nhất làm hình ảnh đại diện quảng bá cho tỉnh, khi mà ngành kinh tế du lịch, thương mại của tỉnh đang dần được mở rộng và phát triển.
Vũ Đồng
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu