Suốt một đời cất giữ biển trong tim

YBĐT - Từng phục vụ trong quân chủng hải quân, quen với ồn ào của sóng và dữ dội của bão giông, biển đã trở thành ấn tượng khó phai trong tâm hồn Nguyễn Đăng Lộc. Chính vì vậy mà ở tập thơ thứ năm anh đã dành gần trọn cho tình cảm yêu thương đồng đội cùng biển đảo quê hương.

"Biển trong tim" là nhan đề của một bài thơ và cũng là của cả tập thơ. Từ quê hương Yên Bái, nhà thơ gửi hoài niệm của mình về phía biển "Ta xa nhau mấy chục năm rồi/ Nhờ nước sông Hồng chảy về thăm biển/ Biển rộng dài: nơi từng đi, đến/ Máu thịt đời người - khói lửa chiến tranh".

Biển yêu thương, biển tự hào và không phải bây giờ mới viết về biển. Ở những tập thơ trước, cảm hứng sáng tạo của tác giả cũng đã dành một phần cho đề tài này nhưng đến giờ thì có gì thôi thúc, da diết:

Sao thao thiết vần thơ từ biển
Rạo rực tim mình - khát vọng - khơi xa
(Vần thơ từ biển)

Dân tộc Việt Nam từ xa xưa cuộc sống đã gắn với biển vì nó là không gian sinh tồn của con dân trên dải đất hình chữ S. Đâu phải tự nhiên mà câu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng để từ đó sinh ra một trăm người con, rồi chia nhau nửa theo mẹ lên rừng còn nửa theo cha Lạc Long quân xuống biển đã trở thành truyền thuyết về cội nguồn nòi giống tiên rồng.

Phải yêu biển lắm Nguyễn Đăng Lộc mới có sự hóa thân để hiểu "Lòng biển như lòng mẹ/ Rộng dài và bao dung/ Biển hát lời của biển/ Ru hời... khúc quê hương" (Lời biển). Cả một thời trai trẻ coi "biển đảo là nhà", đến bây giờ "Vẫn còn duyên nợ đầy vơi thuở nào". Thế nên về với biển là về với chốn thân quen, trái tim người lính hải quân năm ấy cứ rung lên niềm tin yêu vô hạn:

Sóng lao xao, biển xôn xao
Trái tim người lính dạt dào tin yêu
(Lời ru quê nhà

Biển ta biển bạc, mỗi tấc biển là máu thịt làm nên hình hài Tổ quốc. Nơi ấy có những ngôi "làng gối đầu trên sóng", có những cánh buồm no gió chở trăng lên. Biển còn là mỗi buổi đi khơi về "Ăm ắp mùa tôm cá/ Tiếng cười vang đầy thuyền" và "Giàn khoan thắp lửa sáng trời"'...

Cũng chính ở nơi này, người lính biển cảm thức được giá trị thiêng liêng của biển trời quê hương, ghi tạc vào trong lòng mà từ đó nuôi lớn bao khát vọng:

Biển hát chiều nay - lồng lộng gió trời
Tổ quốc thiêng liêng, trong lòng ghi tạc
Là người lính qua bao nhiêu trận mạc
Cháy trong mình những khát vọng đại dương
(Bát ngát màu xanh)

Hàng ngày, trên con tàu tuần tra hay theo hải trình ra với Hoàng Sa, Trường Sa, khi "ánh bình minh rạo rực con tim" thì hơn ai hết chiến sỹ hải quân hiểu cái giá của việc giữ vững chủ quyền biển đảo. Vẫn biết dân tộc ta yêu chuộng hòa bình song trước âm mưu xâm lược của ngoại bang thì lòng yêu nước biến thành sóng cả nhấn chìm bọn cướp nước. 

Đã bao lớp người ngã xuống, máu hòa nước biển, xương gửi cát vùi để hải phận bình yên, đảo xanh sự sống. Tại "nơi đảo xa" - Trường Sa, trong chiến dịch chủ quyền những năm tám mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Đăng Lộc chiêm nghiệm rõ điều này:

Nâng ngọn đuốc hòa bình
Máu người hòa trong sóng
Ươm màu xanh sự sống
Nhấp nhô đảo quê nhà
(Biển thắm tình ta)

Biển Việt Nam dài theo đất nước lại càng nổi tiếng với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển "Biển Việt Nam dài theo đất nước/ Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông/ Như ngọn hải đăng rực sáng trước bão giông/ Phía mặt trời mọc - chúng tôi người lính biển" (Trái tim ở phía mặt trời).

Thêm một lần nhà thơ khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng và tư thế hiên ngang của bao chàng trai đang ngày đêm giữ biển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng cùng những con tàu không số đã bám biển với yếu tố bí mật, bất ngờ vận tải vũ khí, đạn dược tiếp lửa cho chiến trường miền Nam. Chiến công hiển hách này lịch sử ghi danh, mãi mãi biển Đông còn nhớ "Người vô danh, con tàu không số/ Mãi mãi là muôn đợt sóng xô" (Muôn đợt sóng xô).

Rồi bao đoàn tàu rẽ sóng ra khơi với những tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm cũng  một quyết tâm "Vì Tổ quốc đêm đêm thao thức/ Sóng radar thức với sao trời" (Biển Đông lướt sóng). Yêu biển mà nhìn sông nhớ biển, giữa cuồn cuộn mây trời còn ngỡ trùng khơi, bởi vì:

Biển phong trần cho lòng lưu luyến
Suốt một đời cất giữ biển trong tim
(Trái tim ở phía mặt trời

Thơ viết về biển đã nhiều, mỗi nhà thơ một phong cách với tâm trạng riêng. Ở nhà thơ "Vẫn xanh màu áo lính" - được coi như cái tên riêng của Nguyễn Đăng Lộc - thì biển là môi trường sống và chiến đấu, là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca. Thế nên giữa bão táp phong ba, giữa nguy nan kẻ thù rình rập vẫn có những vần thơ "tươi xanh" gợi hứng khởi về vẻ đẹp của biển "Hoàng Sa gọi Trường Sa/ Trăng lên, đêm tuần tra/ Sao trời cùng thao thức/ Mênh mông... biển quê  nhà"; hay tứ thơ đằm thắm yêu thương về những người lính giữ vững mạch máu thông tin liên lạc dù cách trở biển trời "Lọc trong cánh sóng cuối trời/ Lính thông tin suốt một đời tìm nhau" (Tìm nhau). Đọc thơ anh, ta thấu cảm với một tâm hồn nặng tình cùng biển "Suốt một đời cất giữ biển trong tim".

Thế Quynh

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Từ sân khấu nổi lần đầu tiên trên sông Hương, chuỗi truyền hình thực tế đầu tiên, đến loạt danh hiệu đại sứ mới, Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tạo nên một hành trình đậm tính thời đại. Bên cạnh mục tiêu tôn vinh nhan sắc, cuộc thi còn góp phần định nghĩa lại vai trò của hoa hậu trong xã hội hôm nay.

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Trong đời sống cộng đồng người Dao đầu bằng tại Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lễ Tủ Cải là nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người con trai. Người Dao nơi đây quan niệm rằng, để được cộng đồng công nhận và sau này khi mất đi có thể trở về với tổ tiên, mỗi người con trai nhất định phải trải qua nghi lễ này.

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Đà Nẵng - thành phố biển sôi động của miền Trung; Ninh Bình - vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp hay Phú Yên nơi “Hoa vàng trên cỏ xanh”… đang ngày càng khẳng định sức hút đặc biệt đối với các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, thanh niên chính là cầu nối đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại, đồng thời là lực lượng góp phần lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Giữa nhịp sống hiện đại, việc nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình lựa chọn giữ gìn nếp sống truyền thống ấy, không chỉ vì thuận tiện trong sinh hoạt mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn và vì sự yêu thương, sẻ chia, gắn bó giữa các thế hệ.

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tại thành phố Huế, cô gái Phú Yên Hà Trúc Linh đã chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2024, kế nhiệm ngôi vị đầy vinh quang và thành công của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy.

fb yt zl tw