Những năm gần đây, việc giữ gìn, bảo tồn và khai thác giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch được huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm, coi đây là định hướng chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cơ hội mở ra khi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bảo đảm tính đồng bộ, đúng định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, huyện Yên Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo.
Trong đó, Huyện ủy có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 470 về phát triển du lịch cộng đồng tại các xã vùng Đông hồ Thác Bà gồm: Phúc An, Vũ Linh, Yên Thành và Xuân Lai.
Chú trọng tuyên truyền, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đối với dân tộc Tày, bảo tồn các làn điệu hát then, hát khắp, hát cọi, hát khảm hải và các điệu múa.
Đối với dân tộc Dao quần trắng, bảo tồn lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, các điệu múa se bông, dệt vải và các làn điệu hát giao duyên. Đối với dân tộc Nùng, phát huy bản sắc văn hóa, khai thác các điệu hát ru, hát giao duyên.
Đối với dân tộc Cao Lan, khai thác và phát triển các làn điệu như múa phát nương trỉa bắp, giã cốm, múa xúc tép, múa chim gâu, múa trống tang sành...
Để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương thực sự hiệu quả, phát huy được ý thức giữ gìn và trách nhiệm bảo tồn của chính người dân và cộng đồng, giải pháp của huyện là tập trung chỉ đạo xây dựng các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, từ đó phát huy được các nhân tố hạt nhân ở cơ sở trong việc phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ.
Hiện nay, huyện Yên Bình đã thành lập được 14 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân gian các dân tộc. Nhiều CLB văn hóa dân gian phát triển mạnh, thu hút số thành viên tham gia đông như CLB văn hóa dân gian xã Tân Hương hiện có trên 70 thành viên ở các thế hệ tham gia.
Để các CLB hoạt động bền vững, từ năm 2018, huyện đã hỗ trợ cho 7 CLB, mỗi CLB 10 triệu đồng mua trang phục, nhạc cụ. Năm 2019, huyện tiếp tục đề nghị tỉnh thực hiện Điều 12 Nghị quyết số 14/2018 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, trong đó quy định mức hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động cho các đội văn nghệ cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch, đặc biệt là bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, gắn bản tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch, huyện chủ trương phát triển các đội văn nghệ quần chúng để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều xã đã duy trì và phát triển được các đội văn nghệ quần chúng hoạt động đều đặn, hiệu quả, mang bản sắc riêng như đội văn nghệ thôn Đá Trắng, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh; đội văn nghệ xã Phúc An, đội văn nghệ xã Yên Thành, xã Xuân Lai…
Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng phát triển không chỉ góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số mà còn mang lại thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương. Năm 2018, thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các xã vùng Đông hồ Thác Bà, toàn huyện đã có 18 gia đình đăng ký làm du lịch homestay.
"Hiện một số hộ như gia đình ông Tướng Văn Bội, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, hay gia đình ông Tướng Văn Thạch, ở xã Phúc An..., là những hộ đón nhiều khách du lịch nước ngoài, phần lớn là người Pháp, Canada tham quan, nghỉ dưỡng tại gia đình” - ông Mạnh nói.
Năm 2018, huyện thu hút trên 90.000 lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế du lịch đối với tỉnh Yên Bái mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân các địa phương trong huyện.
Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà nằm trên địa phận hành chính các xã: Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Cẩm Nhân, Mỹ Gia, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Thịnh Hưng, Hán Đà, Mông Sơn, thị trấn Yên Bình và thị trấn Thác Bà, có diện tích khoảng 28.800 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển khoảng 1.200 ha phát triển.
Mục tiêu đến trước năm 2025, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia và phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu.
Năm nay, huyện Yên Bình đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 95.000 - 97.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 60 tỷ đồng.
Thúy Phạm