“Tôi tưởng tên cô là tên thuốc sát trùng…”

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2019 | 7:38:58 AM

YênBái - Một chiều giữa tháng Năm, nắng đổ lửa xuống vạn vật. Thông tin về ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên càng làm hầm hập thêm sức nóng. Xã Phúc Lộc của thành phố Yên Bái được khoanh vùng đệm bởi chỉ cách thôn Liên Hiệp hơn 4 km.

Ngay sau cuộc họp buổi sáng của UBND thành phố Yên Bái triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch thì trong buổi chiều hôm đó, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố đã chuyển 12 lít thuốc Han-Iodine 10% cho xã Phúc Lộc để tiến hành phun tiêu độc khử trùng cho tất cả số hộ chăn nuôi lợn của địa phương. 

Do giáp ranh với xã Minh Quân nên thôn Đông Thịnh của xã Phúc Lộc được tập trung phun trước và Trung tâm cử hai cán bộ trực tiếp giám sát. 

Tại hộ ông Nguyễn Văn Thơ ở thôn Đông Thịnh có chị Phạm Thị Cúc là viên chức Trung tâm theo dõi việc phun tiêu độc khử trùng. 

Đi cùng chị Cúc có một người đàn ông trạc tuổi 60 đeo bình phun, dáng vẻ nhanh nhẹn. Khi biết người đeo bình phun là ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng thôn Đông Thịnh thì tôi thắc mắc sao ông lại trực tiếp đi làm việc này. 

Ông Đô vui vẻ trả lời: "Phòng chống dịch cấp bách quá rồi mà lại đang mùa gặt, không thuê được người nên tôi làm luôn”. Công việc cấp bách nên các phần việc được tiến hành rất khẩn trương và phải hoàn thành ngay trong buổi chiều hôm đó. Đông Thịnh là thôn có số hộ chăn nuôi nhiều nhất, số lượng đầu lợn lớn nhất xã với 25 hộ, 130 con và trước nay chưa từng xảy ra bất cứ dịch bệnh gì trên đàn lợn. Khi ông Đô cùng chị Cúc tiếp tục đi phun tiêu độc khử trùng lần lượt cho các hộ khác trong thôn thì tôi trở về cơ quan, lúc ấy đã hơn 6 giờ chiều. 

Sáng hôm sau, trước khi nộp bài cho Phòng Tòa soạn, tôi chủ động gọi điện cho ông Đô để có thêm thông tin về tiến độ phun tiêu độc khử trùng và tình hình đàn lợn của thôn ông đến thời điểm hiện tại. Người nghe máy là vợ ông Đô. 

Bà cho hay tối qua đi phun sát trùng xong cho toàn bộ các hộ về muộn, ông mệt vì bị cảm, đang nằm nghỉ. Biết tôi cần thêm thông tin, ông Đô vẫn nhiệt tình cung cấp đầy đủ. Kết thúc cuộc nói chuyện, ông chợt hỏi:

- À mà tên cô là gì nhỉ, hôm qua vội quá nên tôi chưa kịp hỏi? 

- Cháu tên là Thơm ạ!

- Sao máy ồn vậy cô? Cô nói lại giúp cái vì tôi nghe chưa rõ lắm. Mà cô đọc từng chữ để bà nhà tôi ghi lại cho dễ.

- Vâng, chú bảo cô ghi đi ạ: Tờ… Hờ… Ơ… Mờ…

- Ơ hay, sao tên cô giống tên thuốc sát trùng thế? 

- Chú ơi, cháu tên là Thơm, thơm trong mùi thơm ấy ạ!

- Ôi trời, thế mà tôi lại tưởng tên cô là tên thuốc sát trùng cơ chứ… Được rồi, được rồi, tôi lưu tên cô Thơm rồi đây! - ông Đô cười khà khà phía bên kia.

Nguyễn Thơm

Tags Báo chí cách mạng 21/6

Các tin khác
Đạo diễn Franco Zeffirelli hồi năm 1967.

Truyền thông Italy dẫn thông báo của gia đình đạo diễn Zeffirelli cho biết ông đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở thủ đô Rome sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Đã qua những ngày thi cử của lứa trẻ năm nay bước vào cấp trung học phổ thông. Đi cùng với các con là cả thầy cô và gia đình. Sau kì thi, các con nghỉ ngơi để lại chuẩn bị một chặng đường mới trong cuộc đời mình.

Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành năm 2019 bổ sung thêm 114 thành viên mới.

Sáng 14/6, Hội đồng giáo sư nhà nước đã công bố thành lập và bổ nhiệm các chức danh của 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2019.

Trang phục của đồng bào Dao quần trắng ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình được người dân sử dụng thường xuyên, nhất là ở các thôn làm du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống được quan tâm, nhất là du lịch cộng đồng phát triển, giờ các chợ đều có quần áo, trang phục của các dân tộc được bày bán phong phú, hầu hết đều là sản phẩm thủ công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục