Háo hức trên những sàn tập
Hơn một tuần nay, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long háo hức với lịch tập xen kẽ cho các chương trình mới. Vừa xong chương trình tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, các nghệ sĩ bắt tay thực hiện tiếp chuỗi chương trình "Thế giới của chúng em” số 7, 8, 9 hướng đến phục vụ khán giả nhỏ tuổi dịp Giáng sinh và đón năm mới 2022. Nhà hát cũng xây dựng kịch mục để tổ chức chương trình đưa nghệ thuật múa rối đến với trường học, khi các nhà trường được phép đón học sinh trở lại.
Vừa tập lại vở diễn "Cuộc chiến vô cực” và chương trình ca múa nhạc "Thank xuân” để ghi hình phát sóng trên các đài truyền hình theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuổi trẻ vừa đưa lên sàn tập vở kịch nói "Ao làng” và vở kịch nói "Ngược chiều gió” để tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 và phục vụ khán giả khi sân khấu mở cửa. Nhà hát cũng sẵn sàng thực hiện tiếp vở kịch "Cuộc chiến vi rút” với những thông điệp thời sự dành cho thiếu nhi.
Nhà hát Kịch Việt Nam vừa khởi dựng lại vở kịch "Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long nhân kỷ niệm 100 năm vở kịch nói đầu tiên này của Việt Nam công diễn. Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang hoàn thiện vở xiếc "Biệt đội siêu anh hùng giải cứu” để chuẩn bị ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình và mạng xã hội. Từ đầu tháng 10-2021, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã kết hợp dàn dựng tiếp vở diễn "Thượng Thiên Thánh Mẫu” trong dự án "Huyền sử Việt”…
Các sân khấu xã hội hóa cũng đang tích cực chuẩn bị để trở lại với khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc đang tập luyện lại vở "Dế Mèn” và "Làm vua” dàn dựng hồi đầu năm. Bên cạnh đó, Sân khấu Lệ Ngọc cũng thực hiện vở mới "Nước mắt của mẹ” về đề tài gia đình. Thời điểm này, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh đang cùng gần 150 nghệ sĩ cả nước góp sức sáng tạo tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn”, với nội dung cổ vũ các lực lượng tuyến đầu và nhân dân vững tin chống dịch, dự kiến công diễn trên nền tảng trực tuyến vào ngày 20-10 tới và phục vụ khán giả trực tiếp, khi sân khấu được mở cửa trở lại. Biên đạo múa Đặng Minh Hiền tham gia tổ khúc múa chia sẻ: "Thật vui khi chúng tôi được sáng tạo để mang đến thông điệp tích cực cho cộng đồng, nhưng vẫn giữ được an toàn khi có thể tập luyện ở nhà, rồi ghép qua nền tảng trực tuyến thành vở diễn xuyên suốt”...
Là khán giả lâu năm của sân khấu, chị Nguyễn Phương Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết: "Tôi rất háo hức chờ đón sân khấu mở cửa trở lại. Những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, mang ý nghĩa nhân văn sẽ được nhiều người yêu thích”.
Cống hiến bằng nhiều hình thức
Dù đã nới lỏng giãn cách, nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với các đơn vị sân khấu khi khởi động trở lại. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, các nghệ sĩ vô cùng háo hức được trở lại biểu diễn, bung ra những ý tưởng nghệ thuật đã ấp ủ suốt thời gian qua. Những tác phẩm mới dàn dựng hướng đến khán giả trong nước, nhất là đối tượng thiếu nhi. Chương trình múa rối truyền thống cũng được khởi động để biểu diễn trực tuyến phục vụ khán giả quốc tế qua các nền tảng: Zoom, YouTube…
Cũng trở lại với nhiều hình thức biểu diễn khác nhau, Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang tìm tòi và thực hiện chương trình biểu diễn trực tuyến, trực tiếp, ghi hình phát sóng trên truyền hình và có thể tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, hình thức biểu diễn trực tuyến và ghi hình phát sóng đem lại hiệu quả. Song, muốn bảo đảm chất lượng truyền tải đến khán giả, các đơn vị nghệ thuật cần được đầu tư trang thiết bị tiên tiến và lựa chọn những tác phẩm phù hợp.
Ở một góc nhìn khác, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, khán giả vẫn cần có khoảng thời gian tĩnh trước khi trở lại với các sân khấu trực tiếp. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ nên tập trung xây dựng tác phẩm biểu diễn miễn phí, vì cộng đồng. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Minh Tuấn cho biết, để sân khấu biểu diễn sớm phục hồi, Bộ đã và đang có nhiều chính sách, như hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập duy trì hoạt động; tạo điều kiện để nghệ sĩ các đơn vị được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ; tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến hướng tới xây dựng nhà hát trực tuyến chuyên nghiệp; chuẩn bị các sân khấu để sẵn sàng mở cửa đón khán giả…
(Theo HNMO)