Sau hơn một tháng nghiên cứu, các nhà khảo cổ học thuộc nhiều chuyên ngành của Trung Quốc đã có thể dựng lại kịch bản về những người lính thời nhà Minh (1368-1644) canh giữ một đoạn của Vạn Lý Trường Thành, Tân Hoa Xã đưa tin.
Shang Heng - người đứng đầu dự án khảo cổ đang được thực hiện tại đoạn Tiễn Khấu của Vạn Lý Trường Thành ở quận Hoài Nhu, Bắc Kinh - cho biết, nghiên cứu đa ngành trên diện tích 2.000m2 đã đưa đến một loạt phát hiện như hố đốt lửa, bếp, nồi, đĩa, bát, kéo và xẻng được những người lính canh giữ Vạn Lý Trường Thành trong thời nhà Minh sử dụng.
Được mệnh danh là một trong những phần nguy hiểm nhất của Vạn Lý Trường Thành, đoạn Tiễn Khấu được nhiều người gọi là "Vạn Lý Trường Thành hoang dã".
Được xây dựng lần đầu vào thời nhà Đường (618-907) và được trùng tu vào thời nhà Minh, đoạn tường thành Tiễn Khấu nối liền với Vạn Lý Trường Thành ở phía đông và Vạn Lý Trường Thành ở phía tây.
Ông Shang cho hay, từ năm ngoái, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm bảo vệ Vạn Lý Trường Thành từ sửa chữa chung sang định hướng nghiên cứu.
Ảnh chụp ngày 17.8.2022 cho thấy một phần trùng tu dựa trên nghiên cứu đoạn Tiễn Khấu của Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại một tháp canh của Vạn Lý Trường Thành, người ta đã tìm thấy xương động vật qua khảo cổ học động vật. Dấu tích của một khẩu súng thần công cũng được tìm thấy.
"Kịch bản sống động được phục dựng với các di tích phù hợp với ghi chép trong các tài liệu lịch sử. Ví dụ, có khoảng năm người lính canh gác trong một tháp canh trên Vạn Lý Trường Thành, nơi có một hố đốt lửa có thể sưởi ấm cho hai lính canh nghỉ ngơi, trong khi ba người còn lại làm nhiệm vụ” - ông Shang nói.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra một cánh cửa bí mật dưới Vạn Lý Trường Thành.
"Chúng tôi suy đoán rằng, những người làm nhiệm vụ do thám thời nhà Minh có thể đi qua lối đi bí mật dưới Vạn Lý Trường Thành này để quan sát tình hình của đối phương" - ông Shang nói.
Trong quá trình điều tra tại chỗ, các chuyên gia về kiến trúc cổ, vật liệu và thực vật học đã tham gia.
Ông Shang cho biết, trước đây, khi phát hiện ra những hỏng hóc trên Vạn Lý Trường Thành, chính quyền đã cử người đến sửa chữa ngay lập tức. Nhờ có các chuyên gia chia sẻ thông tin từ tất cả lĩnh vực, trong tương lai, việc sửa chữa có thể được thực hiện trong khi các nhà nghiên cứu tiến hành khôi phục kỹ thuật số.
Vạn Lý Trường Thành từng bị "bệnh" như nước xói mòn. Nhóm đa ngành đã đưa ra một kế hoạch để khắc phục những vấn đề như vậy.
Khi trời mưa, sỏi và bùn cát làm tắc lối thoát nước của bức tường, có nguy cơ gây sập các đoạn tường thành. Vì vậy, những chỗ tắc như vậy cần phải được nạo vét kịp thời. Các chuyên gia đã đo đạc và thiết kế kênh thoát nước để giúp ngăn ngừa các rủi ro - Shang nói.
Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, bao gồm nhiều bức tường nối liền nhau. Bắc Kinh đã lên kế hoạch bảo vệ và phát triển toàn diện Vành đai Văn hóa Vạn Lý Trường Thành, với tổng diện tích 4.929,29km2, bao gồm cả bảo vệ di sản và bảo tồn sinh thái.
(Theo LĐO)