Lào Cai giữ gìn và khai thác giá trị văn hóa phi vật thể

Trong các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Bát Xát là huyện vùng cao biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mà việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa phi vật thể
Đầu tháng sáu âm lịch, có dịp đến một số xã vùng cao của huyện Bát Xát như Y Tý, Nậm Pung, A Lù, Trịnh Tường, A Mú Sung, chúng tôi được hòa cùng bầu không khí tưng bừng khắp các thôn bản có đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. 
Dịp này, các thôn người Hà Nhì đều tổ chức Lễ hội Khu Già Già, trong đó nổi bất là nghi thức mổ trâu làm lễ hiến tế thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau phần lễ cúng, bà con trong thôn cùng nhau tổ chức các trò chơi truyền thống như đu dây, đu quay, nhảy que…
Theo nghệ nhân ưu tú Ly Seo Chơ, thôn Lao Chải, xã Y Tý, Lễ hội Khu Già Già là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm của người Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát. Đây là lễ hội có từ hàng trăm năm, thể hiện tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của người Hà Nhì và góp phần quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, tạo nên tinh thần đoàn kết bền chặt trong cộng đồng người Hà Nhì. Dù đi đâu làm ăn xa cứ đến tháng sáu âm lịch là người Hà Nhì đều trở về thôn, bản tham dự nghi lễ thiêng liêng này.
Ngoài Lễ hội Khô Già Già, người Hà Nhì còn có nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa được tổ chức trong năm, tiêu biểu như: Lễ cúng rừng đầu năm Gạ Ma Do; tết thiếu nhi Gạ Ma O; tết cuối năm Ga Tho Tho… Trong đó, Lễ hội Khu Già Già và Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Không chỉ đối với người Hà Nhì, các dân tộc khác trên địa bàn huyện Bát Xát cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị quan trọng đối với cộng đồng. Tính đến nay toàn huyện có tám di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là Lễ hội Khu Già Già và Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì; Nghi lễ cấp sắc, Lễ hội Pút Tồng và Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Nghi lễ Then và Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy…
Tỉnh Lào Cai có 25 nhóm ngành dân tộc phân bố tại  chín huyện, thị xã, thành phố, là một trong những địa phương đứng đầu cả nước với gần 40 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và một số di sản đại diện nhân loại. Những di sản văn hóa đó thể hiện tinh hoa của đồng bào các dân tộc, được bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, nay trở thành tài sản vô giá trong đời sống cộng đồng.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch
Trở lại câu chuyện về Lễ hội Khu Già Già của người Hà Nhì trên vùng cao huyện Bát Xát, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào cuối năm 2014, Lễ hội Khu Già Già được quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và được nhiều người biết tới. 
Năm 2022, huyện Bát Xát tổ chức khai mạc Lễ hội Khu Già Già với quy mô cấp huyện tại xã Y Tý đã thu hút đông đảo du khách bốn phương đến với Y Tý và tạo ấn tượng đậm nét với du khách. 
Như vậy, Lễ hội Khu Già Già từ một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Hà Nhì trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và tiếp tục được chính quyền, ngành văn hóa và đồng bào địa phương bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị góp phần phát triển du lịch của địa phương. Đó chính là nguồn tài nguyên quan trọng làm điểm tựa để phát triển du lịch bền vững.
Tại thị xã Sa Pa, theo đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch đã đem lại những kết quả quan trọng. Những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã đã biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra những sản phẩm độc đáo thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm. 
Đến xã Tả Phìn du khách được trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ như nghề thêu thổ cẩm, làm trống da dê, nghề chạm khắc bạc. Tại bản Cát Cát, du khách được khám phá không gian văn hóa dân tộc Mông, nghề se lanh dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, nghệ thuật múa khèn Mông… 
Lào Cai giữ gìn và khai thác giá trị văn hóa phi vật thể ảnh 1
Nghệ nhân người Hà Nhì truyền dạy nghề đan lát thủ công truyền thống. 
Tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend của Tập đoàn Sun group thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa các dân tộc, thu hút hàng vạn du khách tới tham quan.
Tính đến tháng 11/2022, hoạt động du lịch tỉnh Lào Cai cơ bản tiếp tục duy trì được đà phục hồi. Lượng khách tới Lào Cai ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng 225% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 14.700 tỉ đồng, tăng 254% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Dương Tuấn Nghĩa-Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: "Định hướng phát triển kinh tế của Lào Cai đang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tạo đột phá của tỉnh. Trong đó, những di sản văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững. Chính vì thế, bảo tồn văn hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc sắc để thu hút khách du lịch đến với Lào Cai.
Trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực của ngành văn hóa, thì cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đặc biệt là ở những địa phương phát triển du lịch cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng, nhằm "Biến di sản thành tài sản” để phát triển du lịch bền vững, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân”. 
Tuấn Ngọc

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong những ngày cuối tuần yên ả, Nhà văn hóa đa năng xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Văn Bàn) rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa. Ở đó, anh Lý Văn Tư cùng các thành viên Câu lạc bộ dân gian dân tộc Xá Phó say sưa tập luyện.

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Từ sân khấu nổi lần đầu tiên trên sông Hương, chuỗi truyền hình thực tế đầu tiên, đến loạt danh hiệu đại sứ mới, Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tạo nên một hành trình đậm tính thời đại. Bên cạnh mục tiêu tôn vinh nhan sắc, cuộc thi còn góp phần định nghĩa lại vai trò của hoa hậu trong xã hội hôm nay.

fb yt zl tw