Suy nghĩ về luật tục vùng dân tộc thiểu số Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Việc nghiên cứu về luật tục, cũng như duy trì và ứng dụng nó là phương cách tốt nhất để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng bản làng vùng đồng bào thiểu số ở Yên Bái hiện nay.

Xét kỹ từ nghiên cứu, từ vận dụng, điều hành quan hệ giữa các dân tộc theo luật tục tiến đến bằng luật pháp cho thấy còn nhiều bất cập, nếu chưa muốn nói nơi này, nơi kia còn hiện tượng "Phép vua thua lệ làng".
Trước hết hiểu luật tục là hiểu sản phẩm của xã hội cổ truyền nó gắn liền với một hình thái kinh tế - xã hội ở đó cơ cấu gia đình và làng xã giữ vai trò then chốt. Từ xưa tới nay, luật tục đã từng phát huy vai trò cố kết cộng đồng và điều hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Hiện tại, nông thôn miền núi chúng ta đang trải qua sự biến đổi to lớn, từ xã hội cổ truyền sang xã hội công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Do vậy, sự tồn tại của luật tục với những hình thức khác nhau, mức độ khác nhau trong nhiều tộc người là thực tế khách quan.

Về nhận thức, mặc dù còn có dị biệt, song không thể phủ nhận luật tục là một trong những di sản văn hóa dân tộc. Luật tục có giá trị nhiều mặt về lịch sử, tri thức dân gian, văn học nghệ thuật, xã hội; thế nhưng điều đáng báo động là hệ thống di sản văn hóa này đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi thời gian, bởi con người, thậm chí có nguy cơ mất đi vĩnh viễn nhất là những yếu tố tích cực. Điều này mách bảo chúng ta, những người làm công tác văn hóa, công tác du lịch văn hóa thiên nhiên sinh thái, du lịch văn hóa dân tộc cũng như những người quản lý cần hợp tác, khẩn trương tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phổ biến rộng rãi luật tục của các dân tộc, phát huy trong đời sống xã hội (sau khi đã chọn lọc).

Trong bối cảnh của thời kỳ quá độ, nhất là thời buổi hội nhập, luật tục đang có hai xu hướng. Một là mặt tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Hai là mặt tiêu cực, không phù hợp, thậm chí kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Đây là hai mặt không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng phân biệt rạch ròi để xử lý theo kiểu cắt bỏ mặt tiêu cực, mặt tích cực thì giữ lại. Đi sâu xuống bản làng, nhất là vùng sâu, vùng xa, sẽ dễ dàng bắt gặp không ít những tồn tại bằng luật tục tiêu cực trên các lĩnh vực. Một là, bảo vệ, quản lý môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên (nước, rừng, muông thú, lâm sản...). Hai là, quan hệ gia đình, xã hội như ma chay, cưới xin, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, dòng tộc... Ba là, xây dựng và củng cố đạo đức, thuần phong mỹ tục, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cuối cùng là các mối quan hệ hài hòa trong cộng đồng làng bản, an ninh trị an...

Xin nêu một số thí dụ dưới đây, xuất phát từ luật tục mà vô tình phạm luật pháp. Đó là trường hợp anh Giàng A Ch. ở xã S. (Văn Chấn). Anh này bị làng treo ngược lên xà nhà và bị đánh roi phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân, anh Ch. có quan hệ với một chị có chồng vừa chết. Chị ta đang phải "chấp hành" lệ "vợ truyền" (giống tục "chuê nuê" - tức nối dây của đồng bào Tây Nguyên), là phải lấy em trai của người đã chết để thay (cho dù em trai chồng còn nhỏ tuổi, còn đi học...). Một trường hợp khác, theo tục cưới hỏi, nhà trai phải có thuốc phiện. Thế là chàng rể tương lai Sùng A L. mò mẫm sang tận Sơn La để tìm mua. Kết quả tang vật bị công an thu giữ tại huyện T. là 91,85 gram thuốc phiện, đủ để cấu thành tội phạm "mua bán, tàng trữ chất ma túy"... Lại có chuyện vì theo luật tục mà Triệu A Chày (dân tộc Dao) ở Sài Lương xã N., Văn Chấn mới 17 tuổi đã qua hai đời vợ. Triệu A Chày đang học cấp 3. Theo tục, năm ngoái, Chày lấy vợ (người vợ thứ hai) và phải ở nhà với vợ đủ 3 tháng 15 ngày rồi mới được đi đâu thì đi. Vậy là theo luật tục, Chày buộc phải bỏ học, đấy là chưa kể với Luật Hôn nhân gia đình, Chày cũng đã vi phạm (nạn tảo hôn).
Rõ ràng, phải có biện pháp như thế nào để hạn chế những tiêu cực trên, đảm bảo hài hòa giữa luật tục với luật pháp?

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã soạn thảo ra quy ước, hương ước nông thôn mới. Đây chính là thể hiện tính kế thừa, phát huy luật tục (mặt tích cực) và việc kết hợp giữa luật pháp với luật tục làng xã, dòng tộc để cơ sở hoạt động dễ dàng. Đó cũng là yếu tố, thực hiện hiệu quả trợ giúp pháp lý, thực chất là phổ biến, phát huy luật pháp Nhà nước, bổ trợ cho việc thực hiện những mặt tích cực của luật tục. Những việc làm này là rất đáng hoan nghênh.

Trong giai đoạn hiện nay, giữa luật tục với luật pháp, đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa. Đấy cũng chính là ý Đảng, lòng dân. Nghiên cứu kỹ luật tục để rút ra những nét đặc thù trong đời sống xã hội và văn hóa các dân tộc, kết hợp hài hòa với luật pháp, chỉ có vậy mới giải tỏa được những hạn chế tiêu cực, lạc hậu trong những luật tục còn đang hiện hữu trong đời sống đồng bào đặc biệt là vùng cao vùng dân tộc thiểu số.

Bùi Huy Mai

Các tin khác

YBĐT - Chào mừng và hưởng ứng Chương trình Du lịch về Cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cho ra mắt tập thơ - nhạc Cội nguồn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006).

Quế lan hương. (Ảnh Lê Phiên)

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh vùng núi, với tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa: nóng ẩm mưa nhiều, rất thích hợp cho việc phát triển thảm thực vật nói chung và phong lan nói riêng.

Trao 7 giải A cho các tiết mục.

YBĐT - Ngày 24/3, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố Yên Bái và Thành Đoàn tổ chức liên hoan “Tiếng hát hoạ mi lần thứ IV”.

Gặp nhau ngày hội.
(Ảnh: 
Hoàng Nhâm)

YBĐT - Cả làng đồn ầm lên là mẹ cái Lả đang truyền ma lại cho nó, người dân tộc mình gọi ma đó là Phi tham kha (ma ba chân) trước khi bà sắp qua đời. Tục lệ của người dân tộc Thái thường truyền lại những gì thuộc về cá nhân mình cho con gái út và Lả là con út trong nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục