Bởi vậy, địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng và nhân rộng mô hình "Khu dân cư hạnh phúc", xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; duy trì các hoạt động văn hóa thể thao quần chúng... đã góp phần quan trọng giúp Châu Quế Thượng từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Là một trong những DTTS có văn hóa truyền thống đặc sắc nổi bật không chỉ ở xã mà còn ở cả trong huyện, tỉnh nên những năm gần đây cùng với phát triển kinh tế, đồng bào Xa Phó đã tích cực gìn giữ nét văn hóa như: sáo Cúc kẹ (sáo mũi), khèn Ma nhí, múa mừng cơm mới, các loại nghề truyền thống về thêu thùa thổ cẩm, hoa văn trên trang phục... vừa để lưu giữ, bảo tồn, tôn vinh tinh hoa văn hóa của dân tộc mình vừa để tham gia biểu diễn, giao lưu trong các ngày hội.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết: "Với vai trò của nghệ nhân, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để truyền dạy cho con cháu học cách chế tác, thổi sáo Cúc kẹ, khèn Ma nhí, hát các làn điệu dân ca và nhảy các điệu xòe truyền thống của người Xa Phó, thêu thùa hoa văn trên trang phục”.
Để góp phần động viên đồng bào Xa Phó gìn giữ văn hóa truyền thống, Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng 2 ngôi nhà sàn truyền thống cho đồng bào có thêm động lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 2 công trình còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, trưng bày các sản phẩm truyền thống để duy trì, truyền dạy các nghề và văn hóa truyền thống cho các thế hệ ở địa phương.
Ông Nguyễn Đức Cải - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: "Xác định văn hóa truyền thống nói riêng và văn hóa, văn nghệ, thể thao nói chung là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Để các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong những ngày hội, ngày lễ, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, mừng Đảng, mừng xuân đảm bảo sắc màu của các dân tộc, hàng năm cùng với phát triển kinh tế, xã luôn chú trọng tuyên truyền các dân tộc quan tâm giữ gìn, khôi phục bản sắc văn hóa của mình cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao chung”.
Ngoài ra, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đi đôi với giữ gìn văn hóa truyền thống, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Từ sự sát sao theo phương châm "cầm tay chỉ việc", cán bộ, đảng viên thực hiện trước rồi vận động người thân, hàng xóm, nhân dân làm theo.
Ngoài ra, nhân dân tích cực thực hiện việc ăn, ở sạch, tạo mọi điều kiện cho con em đi học đúng độ tuổi, không mê tín dị đoan, không vi phạm pháp luật, không cờ bạc, không mua bán và sử dụng chất ma túy... Qua đó, tạo môi trường lành mạnh, tình làng nghĩa xóm được nâng lên đã tạo thêm động lực cho nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào tập thể ở địa phương. Đến nay, 7/7 thôn đều có nhà văn hóa đạt yêu cầu, luôn được duy tu, quản lý, bảo vệ tốt và đảm bảo hệ thống loa đài, sân bãi phục vụ hoạt động văn hóa, giải trí hàng ngày của nhân dân.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của mỗi người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc xã Châu Quế Thượng đã được cải thiện rõ rệt, nhân dân có điều kiện xây dựng bể chứa nước, nhà tiêu, chuồng trại nuôi nhốt gia súc đảm bảo; công tác vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm được thực hiện theo định kỳ.
Đặc biệt, dù là xã có phần lớn dân số là đồng bào DTTS nhưng nhân dân đã xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không còn phù hợp trong đám ma, đám cưới, tích cực thực hiện theo nếp sống văn hóa. Đồng thời nhân dân còn gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như nghề dệt vải, thêu thổ cẩm của người Xa Phó, người Mông; múa mừng cơm mới người Xa Phó, múa tra lúa của người Dao, múa sạp người Tày hay múa khèn, gậy sênh tiền người Mông... Năm 2023, 5/7 thôn của xã đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa; 89,6% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Châu Á