Nét văn hóa truyền thống đầu xuân của người Mông

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/2/2024 | 8:04:30 AM

YênBái - Người Mông là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông ở Yên Bái, sống chủ yếu trên các triền núi cao, tập trung nhiều tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Các nhóm Mông đều có chung ngôn ngữ tiếng nói và văn hoá với nhiều phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian trong những ngày đầu xuân phong phú, độc đáo, đặc sắc và riêng có.

Múa khèn là một trong những nét văn hóa truyền thống luôn có mặt trong mọi lễ hội, cuộc vui của người Mông.
Múa khèn là một trong những nét văn hóa truyền thống luôn có mặt trong mọi lễ hội, cuộc vui của người Mông.

Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Mông còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ như: thần tài (xử cang), thần cột nhà (cu dề đăng), thần cửa (kháo trùng), thần bếp (kháo chu)... Các nét văn hoá đặc sắc, gắn liền với đời sống người Mông trong những ngày đầu xuân là tục cúng tết, hội gầu tào, tầu sừ... Theo cụ Chang A Dê, hơn 80 tuổi ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - người am hiểu, nắm chắc phong tục người Mông nhận định: "Do xã hội phát triển nên các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng có sự đổi mới theo xu thế, tuy nhiên riêng về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhất là tục cúng tết vẫn luôn được các thế hệ người Mông truyền cho nhau để giữ gìn ngàn đời nay”. 

Theo đó, tục cúng tết của người Mông gồm: trong những ngày 27, 28 tháng 12 âm lịch, người dân sẽ chuẩn bị củi đóm, quần áo, rau lợn, cỏ cho trâu, bò đến việc gói, giã bánh dày, mổ lợn... sẵn sàng để ngày cuối cùng của năm có thể là 29 hoặc 30 tuỳ theo tháng đủ hay thiếu mà làm thủ tục cúng tết. 

Ông Tráng A Lồng ở thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên chia sẻ: "Tục cúng tết, bước đầu, tôi chặt 3 cây vầu nhỏ để nguyên ngọn về bó lại làm chổi rồi tiến hành quét từ trong nhà đến dưới bếp, xung quanh nhà với ý nghĩa là quét hết các vận hạn, xui xẻo, bệnh tật, tà khí đi theo năm cũ để bước sang năm mới mọi thứ tốt lành, may mắn”. 

Sau khi quét xong, ông Lồng sẽ mang một số dụng cụ lao động về đặt gần bàn thờ rồi dán thay lại giấy mới cho bàn thờ sau đó cũng dán vào các dụng cụ, đồ dùng trong gia đình từ giường, tủ, cánh cửa, cột nhà, chuồng trại... mỗi thứ một tờ giấy mới. Lễ vật cúng tết của người Mông rất đơn giản, ngoài hương, vàng mã thì chỉ có một con gà trống tơ đẹp. 

Dán giấy mới xong xuôi, ông sẽ cầm con gà trống đứng trước bàn thờ tổ tiên và khấn rằng: "Năm hết tết đến, gia đình có con gà trống đẹp dâng lên tổ tiên, các vị thần linh xin hãy đón nhận để đem đi mổ, khi nấu chín sẽ dâng lộc đến các vị và đồng thời cũng xin ông bà, tổ tiên, thần linh phù hộ, độ trì cho gia đình một năm mới an lành, mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt...”.

Khấn xong, sẽ mang gà đi mổ và nhổ 3 túm lông cổ đẹp dán vào bàn thờ. Sau khi luộc chín sẽ mang gà nguyên con đặt vào mâm cùng một bát cơm để đặt trước bàn thờ và thắp hương để khấn mời các cụ, thần linh về thụ lộc trước. Thắp hương xong, gà sẽ được đem đi chặt bầy ra mâm cùng với các món ăn đặc sản mà gia đình đã chuẩn bị để mời anh em họ hàng, làng xóm đến thưởng thức chung vui, chúc tụng nhau. 

Với người Mông, chân và đầu của con gà cúng tết sẽ dùng xem và đoán biết tiền tài của gia chủ trong năm mới. "Sau bữa cơm cúng tết trở đi đến hết ngày mùng 1 thì người Mông thường kiêng không ăn rau xanh, không để nước đổ vào bếp, không thổi bếp, không đổ rác, không phơi quần áo ra ngoài trời, không đào đất, làm ruộng, nương, không tiêu tiền, không giết mổ, không cho người lạ đến nhà... với mong muốn năm mới mưa thuận gió hoà, vận hạn tiêu tan, gia đình hoà thuận, làm ăn phát đạt. 

Đặc biệt, sáng mùng 1, tôi - người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ phải dậy sớm từ lúc gà gáy để thắp hương, nhóm bếp, lấy nước đầu năm để xông nhà với mong muốn mọi thứ luôn suôn sẻ, tốt lành” - ông Lồng chia sẻ thêm. Ngoài cúng tết thì trong những ngày đầu xuân, người Mông còn tổ chức hội Gầu tào - nét văn hóa dân gian độc đáo mang đậm sắc thái riêng có. Gầu tào nghĩa là chơi ngoài trời. 

Ông Chang A Cớ - Trưởng bản Lùng Cúng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) cho biết: "Hiện nay, hội Gầu tào ở Lùng Cúng thường sẽ diễn ra từ mùng 2 đến hết mùng 5 tết. Theo đó, những ngày diễn ra hội Gầu tào, bà con không kể già hay trẻ, hàng ngày đều mặc trang phục mới cùng tụ tập ở sân bóng để xem các hoạt động vui chơi, giao lưu múa khèn, thổi sáo, hát dân ca, hát ru, dân vũ, ném pao, bóng đá, đánh cù...”. 

Nhờ phát huy các nét văn hoá truyền thống trong những ngày đầu xuân như tục cúng tết, hội gầu tào vui chơi tết không chỉ góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc Mông mà còn nhằm quảng bá đến mọi du khách về lịch sử, văn hóa người Mông, trở thành những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trong các dịp lễ hội và cuối năm.

Châu Á

Các tin khác
Lễ Rước mẫu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên hàng năm luôn thu hút đông đảo du khách tham gia.

Là một trong những địa phương có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, là trung điểm giao lưu giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc… Bởi vậy, Yên Bái có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với hệ thống đình, đền, chùa và các lễ hội dân gian độc đáo.

Các đoàn lễ dâng hương trước tượng đài vua Quang Trung.

Sáng 14/2, (mùng 5 Tết Nguyên Đán) hàng ngàn người tụ hội về Công viên Văn hoá Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội), cùng dâng hương, tham dự lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 - 2024).

Chương trình nghệ thuật lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024)

Tối qua (13/2), Mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024, tỉnh Bình Định tổ chức lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục