Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Văn Chấn cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 188 di sản, chủ yếu là di sản văn hoá phi vật thể của các tộc người thiểu số như (tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống...) và 11 di sản văn hoá vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia là Nghệ thuật trình diễn dân gian-
nghệ thuật khèn của người Mông cùng với 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Để làm tốt công tác quản nhà nước và phát huy các giá trị văn hóa của của các di sản, Phòng đã tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm OCOP và xây dựng tài nguyên du lịch.
Hàng năm, huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quảng bá di sản văn hoá của địa phương. Các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như: tuyên truyền bằng xe loa, băng rôn, tường tin, kịch thông tin, đội tuyên truyền lưu động của huyện, họp thôn bản, họp chi bộ…, kịp thời phổ biến Luật Di sản văn hoá và các văn bản liên quan di sản văn hoá đến đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân, góp phần lan toả, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Xác định di sản văn hoá chính là tiềm năng du lịch, là tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn nên trong thời gian qua nên hàng năm, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông bản địa như: nghi lễ cúng tế cây chè tổ, thi giã bánh dày, múa khèn, ném pao, đẩy gậy… Qua đó không chỉ tiếp tục gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Suối Giàng nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Bá Anh - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Năm nào, tôi và các thành viên trong gia đình cũng đều tổ chức đến trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo riêng có của các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn như Lễ hội Lồng tồng dân tộc Thái, Lễ hội cầu mùa dân tộc Khơ Mú, Lễ cấp sắc dân tộc Dao, Lễ hội Cầu đình dân tộc Tày, Lễ hội cốm xã Tú Lệ, Lễ cúng cây chè tổ tại Suối Giàng…Qua đó, tôi cũng được bồi đắp thêm nhiều kiến thức về văn hóa của từng vùng miền”.
Không chỉ Suối Giàng, đến với xã Thượng Bằng La, nhiều du khách đã hòa chung "nhịp đập văn hóa" với bà con trong Hội xòe then với màn đại Dậm thuông.
Ông Hoàng Thế Hiển ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi và nhiều người dân rất vui khi được hòa chung với màn đại Dậm thuông của xã Thượng Bằng La. Giai điệu thanh tao, nhịp nhàng của cây đàn tính, người người nắm tay nhau nối thành vòng lớn, vòng nhỏ cùng bước, cùng nhảy theo tiếng nhạc, tiếng khắp... thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em”.
Để biến di sản thành tài sản, những năm qua, huyện còn chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, như: các nhà truyền thống của dân tộc Thái, Mông; trang phục, nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc Thái, Dao, Mông; các nghề truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, hàng năm, huyện phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện văn hoá - du lịch và các hoạt động văn hoá như: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ cấp sắc của người Dao đỏ; Lễ hội tăm khẩu mẩu, hội làng của người Tày; múa khèn, cúng cây chè Tổ của người Mông Suối Giàng; Lễ cầu mùa, dân ca, dân vũ của người Khơ Mú… để tiếp tục khẳng định Văn Chấn là điểm đến "hấp dẫn, thân thiện, an toàn” thu hút ngày càng đông du khách.
Các đại biểu và nhân dân tham gia Lễ hội cầu Đình ở xã An Lương
Có thể khẳng định với việc sở hữu nhiều di sản văn hoá phi vật thể của các tộc người thiểu số và di sản văn hoá vật thể, nhất là xây dựng, duy trì 240 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ, huyện Văn Chấn đã và đang phát huy những tiềm năng và lợi thế riêng có của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch và nâng cao đời sống cho người dân.
Nhờ vậy, kết thúc năm 2023, Văn Chấn thu hút đạt 220.000 lượt du khách (tăng 138.000 lượt so với năm 2021), doanh thu từ du lịch đạt 198 tỷ đồng (tăng 149,8 tỷ đồng so với năm 2021).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn Văn Chấn vẫn gặp không ít khó khăn, bởi kinh phí trong công tác bảo tồn, phục hồi di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và hỗ trợ kinh phí để tu bổ, phục hồi di tích khác, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm sự kiện, bảo tồn, phục dựng những di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một... còn nhiều hạn chế; chưa triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát huy di sản văn hoá.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy các nguồn lực trên cơ sở thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc; làm tốt công phục hồi và bảo tồn di sản, đặc biệt là di tích lịch sử -văn hoá, thường xuyên chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu di sản văn hoá vùng Mường Lò - Văn Chấn, góp phần thúc đẩy du lịch, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Văn Tuấn