Tập sách tri ân
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để cho ra đời tập III cuốn sách "Trên trận tuyến mới" đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2007), ngay từ những ngày đầu năm 2006, Ban Tổ chức cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sỹ, trong đó chủ lực là ngành LĐ,TB&XH, Hội VHNT tỉnh Yên Bái đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.
|
Đối với các tác giả tham gia cuộc thi này, ngoài việc tự tổ chức gặp gỡ các điển hình để sưu tầm tư liệu phục vụ cho tác phẩm của mình còn được hai đơn vị trên tổ chức đi tiếp cận cơ sở ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên; giới thiệu danh sách các điển hình thương, bệnh binh, thân nhân gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, giúp cho các tác giả thuận lợi khi tiếp cận cơ sở... Thời gian của cuộc vận động dự định chỉ diễn ra trong năm 2006, nhưng trước những đòi hỏi đặt ra về chất lượng của tập sách nên thời gian được tiếp tục kéo dài đến hết tháng 3 năm 2007.
Ban Tổ chức đã nhận được tổng cộng 97 tác phẩm của 53 tác giả, trong đó tác giả Vũ Quang Trung ở phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) có tới 7 tác phẩm; có 5 người viết từ 4 - 6 bài và 11 người viết từ 2 - 3 bài. Đáng chú ý là, hầu hết hội viên Hội VHNT tỉnh Yên Bái đều tham gia cuộc vận động, trong đó nhiều tác giả là nhà thơ, nhà văn hay những cây bút có tên tuổi trên văn đàn như: Ngọc Bái, Nguyễn Hiền Lương, Trần Cao Đàm, Quang Bách, Nguyễn Thị Luỹ, Nguyễn Thị Thanh, Hoàng Việt Quân, Vũ Quý, Hán Trung Châu, Vũ Chấn Nam... Một số cây bút lần đầu tiên tham gia nhưng cũng đã có được những tác phẩm có chất lượng tốt như: Phạm Huy Khoát, Lê Thị Hồng Mạnh, Trần Thị Thu Hà, Vân Trang, Tuấn Anh...
Hầu như tất cả các điển hình trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", những tấm gương thương, bệnh binh, thân nhân các gia đình chính sách đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong xây dựng cuộc sống hôm nay đều được các tác giả quan tâm phản ánh. Điển hình như công tác chăm sóc các gia đình chính sách ở xã Âu Lâu (Trấn Yên), xã Nam Cường (thành phố Yên Bái), xã Bảo Ái (Yên Bình); hoạt động quy tập mộ liệt sỹ ở xã Đồng Khê (Văn Chấn), xã Hồng Ca (Trấn Yên); công tác chăm sóc mộ liệt sỹ ở thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên được thể hiện chi tiết, sinh động qua tác phẩm của các tác giả: Vạn Lâu, Hiền Phong, Dương Hiền Nga, Văn Thà... Nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, qua bút pháp của các tác giả: Nguyễn Đức Long, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Bảy đã giúp cho người đọc thấy được sự hy sinh thầm lặng, nén trong lòng những đau thương để nuôi dạy con cháu liệt sỹ, thương bệnh binh trưởng thành trong cuộc sống.
Riêng với thương bệnh binh là đối tượng được các tác giả đề cập nhiều nhất. Nhiều tấm gương đã tạo sự xúc động sâu sắc cho bạn đọc như: tấm gương Anh hùng lao động Vũ Viết Hòa, thương binh hạng 1/4 và thương binh hạng 1/4 Lương Viết Hoan ở xã Bảo Hưng (Trấn Yên); vợ chồng thương binh hạng 1/4 Nguyễn Trọng Hùng và Đỗ Thị Nhâm ở phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái); thương binh Lò Văn Hương ở phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ); thương binh Kim Tô ở Vĩnh Lạc (Lục Yên) bị nhiễm chất độc da cam...
Mức độ phản ánh và thể tài được các tác giả thể hiện khác nhau, nhưng nhìn chung đều thể hiện được hoạt động chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ ở các địa phương; phản ánh tấm gương vượt khó, giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ của những thương, bệnh binh...
Ban Giám khảo đã thẩm định và trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích cho một số tác phẩm xuất sắc. Đồng thời, chọn 53 tác phẩm gồm: 1 bản nhạc, 5 bài thơ, 47 bài viết để in thành tập III cuốn sách "Trên trận tuyến mới". Tập sách này như một sự tri ân đối với các thương, bệnh binh, các anh hùng liệt sỹ và thân nhân của họ nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ. Tuy nhiên, do mới chỉ phản ánh được một phần trong danh sách các điển hình nên vấn đề đặt ra là, cần tiếp tục có các cuộc vận động như thế này trong thời gian tới, để tất cả những tấm gương điển hình thật sự được tỏa sáng và soi đường cho mỗi chúng ta phấn đấu vươn lên trong cuộc sống hôm nay.
Sơn Nam
Các tin khác
YBĐT - Ngay từ khi còn học ở miền quê núi hẻo lánh, ngoài những giờ tới trường, ông thường say mê chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm suối, bẫy chim rừng... Ông cho biết: "Ở quê tôi, nhiều bà con dân tộc Nùng không biết nói tiếng phổ thông, không biết giao dịch, ra chợ mua bán không biết tính tiền... Những nỗi khổ của bà con đã thấm vào tôi ngay từ nhỏ.
Chung chăn đệm - “sú phả” là một nét đẹp có tự ngàn xưa của người Thái Mường Lò *Yên Bái) được tổ chức ở nhà gái sau khi người con trai đã vượt qua được những thử thách của thời kỳ ở rể. Từ đây đôi trai gái yêu nhau được hai gia đình và cộng đồng công nhận là vợ chồng.
YBĐT - Dân tộc Thái sản sinh và nuôi dưỡng những bản tình ca quen biết, từng làm say đắm bao nhiêu thế hệ người đọc, người nghe. Đó là Xống chụ xon xao, là Khun Lú Nàng ủa. Đó là Tản chụ xiết xương, là Tản chụ xống xương (lời tâm tình tiếc thương), một trong những bản tình ca bất hủ ấy.
YBĐT - Ngày 10/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ.