Lũa được tạo ra từ phần lõi của các gốc cây cổ thụ khô, do đó gỗ rất cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát. Với tình yêu thiên nhiên, óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, anh Tuấn đã thổi vào những vật vô tri vô giác ấy linh hồn của sự sống, cỏ cây, hoa lá, chim muông. Những gốc cây già tưởng chừng như bỏ đi đã trở thành tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.
Nhà anh Tuấn, từ ngoài cổng vào đến trong nhà đâu đâu cũng thấy gốc cây, rễ cây với nhiều hình thù khác nhau, có những chiếc rễ cây to bằng nửa gian nhà. Đam mê nghệ thuật gỗ Lũa, anh Tuấn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho thiết bị máy móc và mua nguyên liệu. Nhiều người lúc đầu còn cho rằng anh là người không thức thời, mặc cho người khen, kẻ chê anh vẫn tâm huyết và say mê cái nghề này.
Nét độc đáo và hấp dẫn của gỗ Lũa là trước một tác phẩm người xem có những cảm nhận và tưởng tượng khác nhau. Vẻ đẹp ấy chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên với óc sáng tạo và trí tưởng tượng của con người. Gỗ lũa rất cứng, từng nét chạm khắc đòi hỏi người thợ phải có sự kiên nhẫn, gọt rũa tỉ mỉ.
Để tạo ra những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, người thể hiện nó phải có ý tưởng gắn nhân tạo với thiên tạo. Từ những gốc cây, rễ cây thô mộc xấu xí với ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa đã tạo ra những bộ bàn ghế mang hình dáng, họa tiết khác nhau.
Chiếc bàn tứ quý với những họa tiết độc đáo làm nổi bật dáng vóc của các cây Tùng, Cúc, Trúc, Mai; rồi hình ảnh 12 con giáp, cỏ cây, hoa lá hay hình tượng người phụ nữ phương Đông với nét duyên dáng thầm kín trong trang phục KiMôNô… Tất cả đều thể hiện cái “hồn” của cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật công phu mà anh Tuấn gửi gắm vào các tác phẩm của mình.
Tìm được gỗ Lũa đã khó, tạo hình cho nó còn khó hơn nhiều bởi phải phụ thuộc vào hình dáng ban đầu của Lũa. Nguyên liệu từ loại gỗ này là do thiên nhiên ban tặng, anh Tuấn chỉ chỉnh sửa chút ít để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở tôn trọng dáng hình có sẵn. Thiên nhiên thật lạ kỳ, có đủ các cung bậc tình cảm, tình yêu để sẻ chia với con người.
Để có những tác phẩm hoàn chỉnh, tinh tế, ngoài kiến thức cơ bản về điêu khắc và chút năng khiếu của bản thân, anh Tuấn đã tham khảo nhiều tài liệu về nghệ thuật họa tiết để biến ý tưởng thành hiện thực. Muốn thể hiện một con người, anh nghiên cứu rất kỹ khẩu độ, trạng thái, hình thái, vị trí để mô phỏng, làm sao chuyển được cái “thần” vào tác phẩm. Chính vì vậy, giá thành sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà là ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ đôi bàn tay, khối óc con người.
Thú chơi tao nhã đầy chất nghệ thuật đã tạo cho cơ sở của anh Trần Văn Tuấn hàng loạt tác phẩm có giá trị. Nhiều tác phẩm đã được trưng bày tại các hội chợ của tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang. Đặc biệt, anh có nhiều tác phẩm điêu khắc sáng tác theo trường phái riêng được nhiều người đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo và giá trị về mặt nghệ thuật.
Niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc không chỉ giúp anh Tuấn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà việc làm của anh còn tận thu, sử dụng hiệu quả những nguyên liệu bị bỏ phí trong thiên nhiên. Với những tác phẩm của mình, cuối tháng 12/2008 anh sẽ tham gia hội chợ quốc tế Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức tại Giảng Võ, Hà Nội.
Hy vọng người thổi “hồn” nghệ thuật vào gỗ Lũa ở Yên Bái bằng tâm huyết và sự sáng tạo sẽ có thêm nhiều tác phẩm sống động điểm tô cho đời.
Thanh Chi
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu