Liên hoan cồng chiêng quốc tế năm 2009: Chuẩn bị cho ngày hội lớn
- Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2009 | 12:00:00 AM
Từ ngày 12 đến ngày 15-11, tại Gia Lai sẽ diễn ra Liên hoan cồng chiêng quốc tế năm 2009 với sự tham dự của các dân tộc có cồng chiêng ở Việt Nam và các nước có cồng chiêng trong khu vực Ðông - Nam Á.
Lần đầu một liên hoan (Festival) có tầm cỡ được tổ chức sau khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Trong những ngày này, ở các buôn làng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đang rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng, chuẩn bị cho ngày hội lớn...
Dù phải trải qua những ngày vất vả do ảnh hưởng của mấy cơn bão kế tiếp nhau, TP Plây Cu - địa điểm chính diễn ra các hoạt động của lễ hội, đang "nóng" lên cùng công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị mặt bằng để phục vụ liên hoan. Hàng ngày, tại khu vực Quảng trường 17-3 và Công viên Lý Tự Trọng, hàng trăm công nhân được huy động, khẩn trương xây dựng san tạo, lèn nền đá để tạo mặt bằng sạch đẹp phục vụ lễ khai mạc và bế mạc, đồng thời cũng là nơi sẽ tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và Hội làng nghề truyền thống. Trên các tuyến đường chính dẫn vào thành phố và các cửa ngõ dẫn vào trung tâm, hệ thống điện trang trí, đèn "led" và nhiều băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cho Liên hoan đã được giăng mắc lượn theo những con dốc phố, càng tôn thêm vẻ đẹp vốn có của phố núi Plây Cu.
Trực tiếp xuống hiện trường đôn đốc, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công tại khu vực Công viên Lý Tự Trọng, Phó Giám đốc Công ty Công trình Ðô thị TP Plây Cu Trần Minh Thành cho biết: "Diễn biến thời tiết không thuận lợi trong thời gian qua khiến chúng tôi vô cùng lo lắng bởi tiến độ thi công, xây dựng tại một số điểm bị chậm lại. Những ngày qua, công ty đã huy động 100% nhân công làm việc khẩn trương để kịp hoàn thành, bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch. Trong dịp này, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách hơn 6,7 tỷ đồng cho công ty để đầu tư các hạng mục công trình phục vụ liên hoan như: lắp đặt hệ thống điện trang trí, điện chiếu sáng, sửa chữa nhà vọng cảnh Lâm viên Biển Hồ, chỉnh trang Công viên Diên Hồng, xây dựng khán đài".
Công viên Ðồng Xanh thuộc Công ty cổ phần văn hóa - du lịch Gia Lai, cách TP Plây Cu 5 km, nhờ có không gian rộng lại nằm giữa khu dân cư thuộc vùng ngoại ô thành phố, nên được chọn là nơi tổ chức một số hoạt động tái hiện lại một số sinh hoạt mang tính bản sắc cộng đồng trong chương trình của liên hoan như: trình diễn cồng chiêng, thi tạc tượng, tổ chức lễ mừng lúa mới, lễ hội ẩm thực. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa - du lịch Gia Lai Nguyễn Trần Hanh cho biết: "Trong ba ngày diễn ra liên hoan, Công viên Văn hóa Ðồng Xanh sẽ không bán vé vào cổng để phục vụ nhân dân tham gia sự kiện văn hóa lớn. Công ty đã dành gần 3 tỷ đồng đầu tư chỉnh trang, làm mới một số hạng mục như nhà rông Ba Na, nhà dài Gia Rai và kho thóc; lắp dựng lại đàn T'rưng nước, trồng thêm nhiều cây xanh, bồn hoa. Khu vực trung tâm với các công trình đền Hùng, chùa Một Cột đang được hoàn thiện đến từng chi tiết. Hai con rồng xanh to, uốn lượn, mỗi con dài 26 m, làm bằng thân dừa nước, nằm song song với nhau trước lối dẫn vào đền Hùng. Cũng trên lối vào đền, tượng 18 vị Vua Hùng (chiều cao mỗi tượng là 36 m) vừa mới lắp đặt xong, tạo vẻ uy nghi, trang trọng. Dịp này, trong chương trình của Liên hoan, tổ chức Ghi-nét Việt Nam sẽ làm lễ công bố xác nhận kỷ lục chiếc cồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 2,5 mét, nặng 700 kg do nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) thực hiện. Ngoài ra, các hạng mục vườn chim, thú, cá sấu, lối đi, tượng thần Lửa, thần Nước, cây nêu cách điệu,... tất cả cũng đang được tích cực chăm sóc, sơn sửa khang trang, mới mẻ.
Không chỉ người dân TP Plây Cu, mà ở các buôn làng xa, không khí chuẩn bị chờ đón ngày hội cũng khẩn trương và náo nức. Chúng tôi đến nhà ông Oi Chroanh ở buôn Mláh - xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Lúc này, Oi Chroanh cùng mấy thanh niên trong làng đang lau chùi bộ chiêng cổ, chuẩn bị cho buổi tập luyện. Ðội chiêng của buôn Mláh sẽ tham dự Liên hoan với 20 người, trong đó 14 nam sẽ diễn xướng các cồng chiêng và 4 nữ sẽ múa theo nhạc điệu cồng chiêng. Sau khi biết được đội chiêng của buôn tham dự Liên hoan, bà con trong buôn rất vui. Không vui sao được khi đây là lần đầu đội chiêng được biểu diễn trước rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Với đội chiêng, Oi Chroanh được coi như người cầm trịch. Ông là người được làng tin tưởng, bởi ông không chỉ là người am hiểu về cồng chiêng mà bản thân ông còn là chủ sở hữu ba bộ chiêng cổ có tên là Ching Sar vô cùng quý hiếm. Ba bộ chiêng này của gia đình ông đã có từ lâu, từ hồi một cái chiêng phải đổi từ 30 đến 40 con bò và để sở hữu đủ một dàn chiêng 14 cái này, chủ nhân của nó phải có vài trăm con bò. Ông luôn coi đây là vật báu trong nhà và của cả dòng tộc. Những lúc rảnh rỗi, ông lại lau chùi từng cái chiêng và dạy con cháu biết cách cầm, đánh chiêng như thế nào cho đúng. Một thành viên khác trong đội chiêng vẫn được mọi người hay nhắc tới là Ksor Poah. Poah sinh năm 1982, là thế hệ con cháu của Oi Chroanh. Poah biết đánh chiêng từ nhỏ, tiếng chiêng của buôn làng đã ru Poah khôn lớn cùng năm tháng. Và bây giờ Poah được phân công đánh chiêng Ðui trong đội chiêng tham dự liên hoan, đó là cơ hội để Poah thể hiện tài nghệ đánh chiêng của mình. Poah đang miệt mài tập luyện để bài biểu diễn nhuần nhuyễn hơn. Cũng như ở xã Ia Mláh, những ngày này tại khuôn viên Nhà rông văn hóa Mơ Nông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, không khí cũng nhộn nhịp khác thường. Tại đây, các nghệ nhân đang tập luyện buổi cuối cùng. Nghệ nhân Rơ Châm Mút, đội trưởng đội cồng chiêng của làng đang chỉ huy buổi tập, anh kể: "Hồi còn nhỏ, tôi thường theo cha tham gia các lễ nhà mồ, đâm trâu, lễ pơ-thi hay lễ mừng lúa mới, tôi thấy ông đánh chiêng rất hay nên đã học. Hiện nay, trong làng Mơ Nông Yố còn hai đội cồng chiêng, trong đó đội của tôi có 35 người, cả nam và nữ. Ðội của chúng tôi từng được mời đi biểu diễn nhiều nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðác Lắc, Phú Yên,... nhưng khi được tham dự liên hoan lần này, chúng tôi ai cũng cảm thấy hồi hộp và háo hức"...
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, Trưởng ban Tổ chức liên hoan, cho biết: Liên hoan cồng chiêng quốc tế năm 2009 được tổ chức tại Gia Lai không chỉ nhằm tôn vinh, giáo dục, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn khẳng định quan điểm, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước và sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, Liên hoan lần này còn là ngày hội để cộng đồng các dân tộc thiểu số không chỉ trong khu vực mà còn cả nước được giao lưu, học hỏi. Với ý nghĩa đó, chúng tôi hết sức chú trọng đến các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng sẽ được tổ chức tại Liên hoan như: phục dựng lễ đâm trâu mừng chiến thắng, trình diễn cồng chiêng, phục dựng lễ mừng lúa mới, thi tạc tượng, hội thi chỉnh chiêng...
Ngoài ra, trong dịp này, Ban tổ chức và tỉnh còn phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động bên lề Liên hoan như: hội thảo xúc tiến đầu tư; hội thảo khoa học về sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực; Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao với 450 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp tham gia; hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp với 30 gian hàng trình bày các sản phẩm do nghệ nhân cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên sản xuất; làng văn hóa ẩm thực... Cho dù đây là lần đầu tỉnh đăng cai tổ chức một hoạt động lớn, với sự tham gia của không chỉ 34 đoàn với 22 dân tộc có cồng chiêng trong cả nước mà còn có bảy nước trong khu vực Ðông - Nam Á gồm: Myanmar, Lào, Cam-pu-chia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Thái-lan tham gia, bằng sự nỗ lực hết mình lại được sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ VH-TT và DL, chắc chắn Liên hoan sẽ thành công, trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa không chỉ với cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam mà còn tạo nên ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Chiều 6.11, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã quyết định đồng ý để Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2007 Trần Thị Quỳnh tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2009.
YBĐT - Vinh dự và cũng là trách nhiệm không nhỏ dành cho thôn Ao Luông 1, xã Sơn A khi 12 năm trước được huyện Văn Chấn (Yên Bái) chọn làm điểm xây dựng mô hình làng văn hoá và 5 năm sau được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch) công nhận danh hiệu làng văn hóa. Đến giờ, làng văn hóa Mường này đã 10 năm liên tục giữ vững danh hiệu, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu không chỉ của Văn Chấn mà của cả tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Đã rất lâu kể từ ngày Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai nhập tỉnh rồi tách tỉnh đến nay, tôi mới có được trong tay tập thơ không dày nhưng cũng đủ đầy tình thơ của những nhà thơ không chuyên sống ở Nghĩa Lộ những lại viết về Nghĩa Lộ với tình cảm tha thiết, đằm thắm trong thi tập “Nghĩa Lộ mùa ban” vừa ra mắt bạn đọc quý IV năm 2009, nhân kỷ niệm 1 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ Nghĩa Lộ.