Khèn Mông là một nhạc cụ độc đáo gồm nhiều ống trúc nhỏ ghép lại, có cấu tạo phù hợp với dáng khom người và các thế quay, nhảy của người biểu diễn. Người Mông thường hay múa khèn trên bãi cỏ hay một bãi đất bằng phẳng với những vũ điệu đẹp mắt, những bước nhún, bước đo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất thể hiện được sự tinh tế của người biểu diễn.
Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm… và hàng loạt các động tác khó diễn ra nhưng tiếng khèn vẫn không dứt. Khi biểu diễn, người múa khèn đi tiến, đi lùi theo 4 phương, 8 hướng, mỗi khi đi tiến, đi lùi đều phải lưu ý bước chân, không được bước quá dài hay quá ngắn, làm sao chỉ để bước chân này chạm gót chân kia. Trong mô típ chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc.
Tiếng khèn ngân lên đi kèm theo các vũ điệu đã thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông. Để múa được động tác vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất mà tiếng khèn vẫn không dứt như thế này, người biểu diến phải mất rất nhiều công tập luyện hay như động tác vừa múa khèn, vừa thổi khèn vừa nhảy điệu đá gà, đá ngựa hoặc xoay vòng không phải ai biết múa khèn, thổi khèn đều có thể làm được. Đây là các động tác khó trong các điệu múa khèn của người Mông.
Thông qua tiếng khèn, qua từng động tác, người biểu diễn đều muốn gửi gắm một điều gì đó đến với người nghe và người xem. Qua tiếng khèn đã có nhiều đôi nam, nữ nên vợ, nên chồng sống hạnh phúc bên nhau.
Cuộc sống của đồng bào Mông đã có nhiều đổi thay, người dân đã biết đến nhiều nhạc cụ khác nhưng chiếc khèn Mông và những điệu múa khèn vẫn sẽ được lưu giữ và truyền dạy từ thế hệ này đến thệ khác. Đây là một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Mạnh Cường
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu