28 tập phim không chỉ ghi lại vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy, mênh mông, khoáng đạt về dòng sông từng là cảm hứng cho thi ca mà còn là kho tri thức quý về sông Đà với đầy đủ góc nhìn từ lịch sử, địa lý đến văn hóa, kinh tế.

Mỗi tập phim cũng đưa người xem khám phá những trầm tích văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở vùng cao Tây Bắc, những tác động của sông Đà với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như cuộc sống của người dân hai bên sông.
“Trước sông Đà chỉ là không gian đi từ bờ nọ sang bờ kia, nhưng bây giờ có những điểm xa nhau đến 10km. Dòng sông hùng vĩ này sẽ chìm dẫn và có thể sẽ mất hẳn dưới lòng hồ sông Đà khi các công trình thủy điện Sơn La – Lai Châu được hoàn tất. Điều này giúp những thước phim của "Ký sự sông Đà" có giá trị lịch sử và tư liệu cao”, nhà báo Đỗ Quốc Khánh, phó trưởng Ban VTV5, người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất phim cho biết.

Để khắc họa rõ sự biến đổi này, ở hiện trường của mỗi tập phim đều nhắc đến dấu ấn của sự đổi mới so với hiện thực giúp người xem nhận ra sự thay đổi thần kỳ, những tác động văn hóa, sự phát triển kinh tế xã hội tới cư dân sống hai bên bờ.
Để thực hiện loạt phim, đoàn làm phim đã mất hơn 1 tháng với 3 chuyến đi rong ruổi trên khắp các nẻo đường của các tỉnh Tây Bắc cùng nhiều khó khăn về đường đi, thời tiết... Rất nhiều đoạn đường chỉ có xe chuyên dụng gầm cao mới có thể đi được.
Loạt phim do Ban Truyền hình Tiếng dân tộc (VTV5) và Đài PT-TH 5 tỉnh Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình và Phú Thọ, nơi có dòng sông Đà chảy qua, phối hợp thực hiện.
(Theo VnMedia)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu